Tài nguyên nước là tài nguyên vô cùng thiết yếu cho đời sống của con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Con người chúng ta tồn tại không thể thiếu nước, nước gắn chặt với sự tồn tại và phát triển của con người. Mặc dù nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng lại không phải là vô hạn. Nguồn tài nguyên này đang đứng trước những thách thức của việc gia tăng nhu cầu sử dụng dẫn đến khai thác quá mức gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Đây là một trong những quy định mới của Luật Tài nguyên nước, chưa được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đang dự thảo Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Theo đó, Bộ TN-MT đã đề xuất mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước có giá trị từ 0,1% - 2%. Cụ thể, thủy điện mức thu là 2%; kinh doanh, dịch vụ bao gồm nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp mức thu 2%; sản xuất phi nông nghiệp mức thu 1,5%; tưới cây công nghiệp mức thu 0,2%; chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản mức thu 0,1%. Dự thảo cũng quy định về chế độ thu, nộp tại kho bạc nhà nước địa phương, nơi chủ giấy phép đăng ký kinh doanh và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Sắp tới khai thác nước 100m³/ngày đêm để tưới cây phải nộp tiền cấp quyền khai thác (Ảnh: PHƯƠNG HÀ)
Cụ thể, nguồn thu này được phân bổ như sau: 50% cho ngân sách trung ương và 50% cho ngân sách địa phương đối với trường hợp có giấy phép do Bộ TN-MT cấp. 100% cho ngân sách địa phương, nơi có công trình đối với trường hợp có giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp. Đối với trường hợp tiền cấp quyền khai thác nước cho thủy điện do Bộ TN-MT cấp phép, phê duyệt, phần nộp cho ngân sách địa phương được phân bổ cho các địa phương theo tỷ lệ diện tích thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa thủy điện. Dự thảo cũng nêu rõ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được ưu tiên sử dụng một phần để bảo đảm cho hoạt động cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước.
Quyền khai thác nước là quyền tài sản
Bộ TN-MT cho biết, quan điểm nước là tài sản, là nguồn lực quan trọng của mỗi quốc gia và phải được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đang trở nên phổ biến trên thế giới. Việc coi tài nguyên nước là tài sản, là nguồn lực của quốc gia cũng đã được Việt Nam thể chế hóa trong Hiến pháp và Luật Tài nguyên nước.
Quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Luật Tài nguyên nước được xây dựng với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước cần phải nộp tiền để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước. Như vậy, quyền khai thác tài nguyên nước được định giá bằng tiền và được coi như là quyền tài sản. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình tương tự như khoáng sản, đất đai.
Đại diện Bộ TN-MT cho biết, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một điểm mới của Luật Tài nguyên nước, chưa được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Tuy nhiên, sau khi Luật Tài nguyên nước được ban hành, các văn bản pháp luật về tài nguyên nước cũng đã quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như việc bổ sung tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho hoạt động cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác. “Để triển khai có hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, vừa bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước khai thác, vừa bảo đảm được an sinh xã hội và bổ sung cho một số hoạt động bảo vệ nguồn nước thì việc ban hành Nghị định quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là hết sức cần thiết”, đại diện Bộ TN-MT cho hay.
HÀ PHƯƠNG
|