Hiện tượng chen lấn, xô đẩy trong lễ phát ấn Đền Trần - Nam Định, việc đặt tiền lễ tùy tiện trong chốn thờ tự tôn nghiêm, xu hướng nâng cấp, mở rộng quy mô của các lễ hội truyền thống… và rất nhiều vấn đề bất cập dẫn đến thái độ, hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong lễ hội đã được tổng kết và đưa ra phân tích, “mổ xẻ” trong hội nghị giao ban trực tuyến giữa ba đầu cầu Hà Nội - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh về vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội do Bộ VH-TT-DL đưa ra ngày 11-5.
Ý thức người dự lễ hội còn hạn chế
Theo tổng hợp của Bộ VH-TT-DL, dù công tác tổ chức lễ hội đầu năm 2011 tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn tồn tại nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy chế lễ hội giữ gìn sự tôn nghiêm của nơi thờ tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được đẩy mạnh song ý thức của người đi lễ hội còn nhiều hạn chế.
Hiện tượng ban phát ấn, túi lương, cành lộc, đốt đồ mã, khấn thuê… vẫn xảy ra phổ biến ở một số nơi như đền Bà Chúa Kho, chùa Hồng Ân, đền Kiếp Bạc, chùa Bái Đính… Nguồn thu, chi ở các lễ hội chưa có văn bản điều chỉnh, do đó việc quản lý nguồn thu công đức, giọt dầu chưa thống nhất, minh bạch do nhiều chủ thể cùng quản lý đã gây mâu thuẫn về lợi ích...
Một số lễ hội Đền Trần - Nam Định, Nam Hà; lễ hội Lim - Bắc Ninh… thường xảy ra hiện tượng chen chúc, xô đẩy. Mặc dù các ban tổ chức lễ hội đã lên phương án giải tỏa ách tắc giao thông, nhưng không tránh khỏi hội chứng đám đông, nhất là lễ hội phát ấn Đền Trần - Nam Định.
Theo bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản, việc tổ chức lễ hội yếu còn do có nhiều “sai lệch” trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản vật thể và phi vật thể. Trong thực tế những năm qua, không chỉ các di tích mà cả các lễ hội cũng hình thành xu hướng cơi nới, làm thêm.
Các lễ hội nhỏ, lễ hội vừa… đều có xu hướng được nâng cấp, mở rộng quy mô hơn nữa và đó là nguyên nhân bên cạnh việc phục hồi lễ hội cũ đã xuất hiện các yếu tố vay mượn, bắt chước, sáng tạo nghi lễ. Việc này cũng có thể là do yếu tố trao truyền giữa các thế hệ chưa được chuẩn xác, song cũng có nguyên nhân là do một số cá nhân cố tình làm cho lễ hội trở nên thiêng hơn, thu hút người dân tham gia đông hơn. Thậm chí, nhiều địa phương còn có sự cộng dồn các lễ hội để có thể nâng tầm quy mô.
Tiếp tục phát ấn Đền Trần?
Một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm là việc có nên tiếp tục phát ấn ở lễ hội Đền Trần (Nam Định) nữa hay không là một trong những chủ đề “nóng” được đưa ra hội nghị.
Theo ông Lương Hồng Quang, Viện phó Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, có 3 vấn đề lớn trong việc tổ chức lễ hội Đền Trần.
Thứ nhất là do lễ hội Đền Trần là một lễ hội tái tạo truyền thống xưa, hiện có những mâu thuẫn; mặt được, mặt chưa được cần được xử lý lại.
Thứ hai là việc mở rộng quy mô lễ hội quá lớn khiến cho công nghệ tổ chức lễ hội trở nên lúng túng trong mọi phương diện.
Và một trong những vấn đề được coi là mấu chốt là sự mâu thuẫn giữa nhu cầu thỏa mãn yếu tố tâm linh thì cao nhưng sự hiểu biết về nghi lễ của người dân lại rất hạn chế. Chính vì thế, để giải quyết các mâu thuẫn này, viện đã triển khai nhiều công việc, đồng thời thu thập thông tin đa chiều về lễ hội Đền Trần bằng nhiều phương pháp khác nhau, như đối thoại trực tiếp với người dân địa phương, phát 800 phiếu điều tra xã hội học về công tác tổ chức, quản lý lễ hội...
Đến 20-5, sẽ kết thúc quá trình khảo sát và phân tích, sau đó viện sẽ tổ chức 3 cuộc đối thoại trực tiếp về lễ hội với nhân dân phường Lộc Vượng, Nam Định - nơi diễn ra lễ hội khai ấn Đền Trần; đối thoại với giới truyền thông và với cơ quan quản lý cấp tỉnh. Với cách làm việc rất thận trọng đó, ông Lương Hồng Quang cho biết, dự kiến ngày 15-6, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình lên Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Nam Định cùng xem xét, đưa ra kết luận thích hợp...
Cũng xoay quanh điểm nóng là việc tổ chức việc phát ấn trong lễ hội Đền Trần, ông Nguyễn Văn Tuấn, đại diện của Bộ VH-TT-DL khu vực miền Trung, lại quyết liệt hơn. Ông cho rằng hiện tượng lộn xộn phản cảm trong lễ hội Đền Trần đã xảy ra nhiều năm qua và không thể để tiếp diễn mãi được. Bộ nên có quan điểm rõ ràng, nếu việc đó không phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, phải cương quyết cấm và có chế tài xử lý, xử phạt thật nghiêm.
VĨNH XUÂN