Ngày 9-8, tại TPHCM, Bộ Công thương phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 109 của Thủ tướng về kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ có hiệu lực từ 1-10-2011. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến đầu tháng 8, cả nước có 211 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo (năm 2010 con số này là 264 DN), trị giá hơn 2,2 tỷ USD.
Còn theo Bộ Công thương, hiện có 40 DN trong nước được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (kho chứa ít nhất 5.000 tấn và nhà máy xay xát 10 tấn/giờ) và có 5 thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu gạo theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho rằng việc siết đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa và xuất khẩu gạo. Từ 1-10-2011, chỉ những DN có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng, 3 yêu cầu cơ bản của DN tham gia xuất khẩu gạo là nhà kho, nhà máy xay xát, hệ thống máy sấy. Từ cơ sở đó, DN mới xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện đúng quy trình, mua lúa tươi về sấy khô, đưa vào kho chứa thay vì mua gạo về lau bóng, tách màu để xuất khẩu như trước. Nếu làm đúng quy trình và đưa lúa tươi vào kho trước 12 giờ sẽ giúp giảm thất thoát sau thu hoạch lúa gạo khá nhiều, nâng cao chất lượng hạt gạo. Khi áp dụng quy chế kinh doanh gạo mới này, ngành nông nghiệp kỳ vọng giảm tỷ lệ tổn thất lúa gạo sau thu hoạch từ 10% - 15% xuống còn 5% - 6%.
Nghị định 109 còn quy định DN kinh doanh xuất khẩu gạo có nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường trong nước bằng cách phải dự trữ tối thiếu 10% lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng. Điều này VFA và các DN đồng tình, nhưng bày tỏ mối lo, khi tham gia bình ổn thị trường họ được lợi gì. Đó là một trong những băn khoăn mà DN muốn được biết thêm khi Nghị định 109 có hiệu lực.
C. PHIÊN