Nâng kiến thức pháp luật và kỹ năng tiếp dân

Trong quá trình thực hiện Đề án 1-1133 về việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) ở cấp phường - xã, TPHCM đã trang bị kiến thức pháp luật KN-TC cho cán bộ cơ sở theo hướng chú trọng kỹ năng, nghiệp vụ, xử lý tình huống thực tế. Hoạt động này đã tạo ra sự chuyển biến căn bản.
Nâng kiến thức pháp luật và kỹ năng tiếp dân

Trong quá trình thực hiện Đề án 1-1133 về việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) ở cấp phường - xã, TPHCM đã trang bị kiến thức pháp luật KN-TC cho cán bộ cơ sở theo hướng chú trọng kỹ năng, nghiệp vụ, xử lý tình huống thực tế. Hoạt động này đã tạo ra sự chuyển biến căn bản.
    
Giải quyết 3 trong 1

Theo Luật Tiếp công dân, cán bộ được phân công tiếp dân có trách nhiệm đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận KN-TC, kiến nghị, phản ánh của công dân; hướng dẫn, giải thích cho công dân về việc thực hiện KN-TC, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của luật pháp. Trách nhiệm của cán bộ tiếp dân cấp phường - xã đã được cụ thể hóa bằng Điều 15 Luật Tiếp công dân, và có chung nội dung tại Điều 8 Luật Khiếu nại, Điều 19 Luật Tố cáo. Để tiếp công dân, cán bộ tiếp dân phải nắm vững kiến thức, áp dụng linh hoạt cả 3 đạo luật cơ bản này. Đây là một thử thách đối với cán bộ cơ sở làm công tác tiếp dân. Thực tế cho thấy khi cán bộ địa phương nào làm tốt công tác tiếp dân, thì hoạt động giải quyết KN-TC ở địa phương đó suôn sẻ và có kết khả quan.

Phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức)

Một biểu hiện cần chấn chỉnh trong công tác tiếp dân ở phường: Đã đến giờ làm việc, nhiều người dân đến chờ, nhưng chưa thấy cán bộ tiếp dân Ảnh: THU HƯỜNG.

 có đến 80.000 dân, địa bàn phức tạp trong bối cảnh đô thị hóa, nên nảy sinh nhiều KN-TC. Bà  Phạm Mai Thảo, cán bộ tư pháp phường Hiệp Bình Chánh, cho biết bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tế công tác tiếp dân của phường: “Để tránh tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp, cán bộ tiếp dân ở cơ sở phải làm cho người dân tin tưởng, tìm đến chính quyền. Công việc đầu tiên khi tiếp dân là phải làm người dân giảm bớt búc xúc căng thẳng, tiếp đến, ân cần hướng dẫn, phân tích đúng - sai. Để làm được điều đó, cùng với việc nâng cao kiến thức pháp luật, cán bộ tiếp dân cần có kỹ năng và có thái độ ân cần.

Ông Ngô Thanh Tú, cán bộ tư pháp phường Bình An (quận 2), kể: “Công việc của cán bộ tiếp dân ở cơ sở như làm dâu trăm họ. Cấp phường là nơi đầu tiên tiếp nhận, giải quyết nỗi bức xúc của người dân. Đa phần người dân cũng lần đầu thực hiện quyền KN-TC. Không ít người dân đến phường nộp đơn KN-TC với tâm trạng căng thẳng, thái độ bức xúc. Những chuyện phổ biến nhất là những xích mích, tranh chấp trong nội bộ dân cư. Gặp những tình huống như vậy, cán bộ tiếp dân phải cố gắng làm giảm bức xúc, tiếp đó mời hai bên cùng ngồi lại với nhau để hòa giải, chỉnh sửa”.

Hầu hết các cán bộ tiếp dân ở phường - xã đều nhất trí cho rằng yêu cầu quan trọng đối với cán bộ tiếp dân ở cấp phường - xã là phải có trình độ, kiến thức pháp luật tổng hợp, và điều không thể thiếu là thái độ ân cần, thực sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người dân. Thế nhưng, đáng tiếc là bên cạnh nhiều địa phương quan tâm công tác tiếp dân, vẫn còn những địa phương chưa chấn chỉnh những yếu kém, thiếu sót trong công tác tiếp dân. Có nơi đã đến giờ làm việc, nhiều người dân đến chờ, nhưng chưa thấy cán bộ tiếp dân.    

Kiến thức song hành kỹ năng 

Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật KN-TC cho cán bộ cơ sở, trong 3 năm qua, TPHCM đã chủ trì tổ chức nhiều lớp tập huấn, qua đó tạo được chuyển biến tích cực trong hoạt động tiếp công dân giải quyết KN-TC. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn TP đã tổ chức tiếp trên 24.000 lượt công dân phản ánh, KN-TC, trong đó cán bộ lãnh đạo chủ chốt tiếp gần 4.000 lượt, cho thấy công tác tiếp công dân đã được chú trọng và phát huy tác dụng. Chính quyền các địa phương đều quan tâm sắp xếp, bố trí phòng tiếp công dân. Lịch lãnh đạo tiếp công dân được công khai cho người dân biết. Điều đáng ghi nhận là hầu hết đội ngũ cán bộ tư pháp, tiếp dân ở cấp phường đều được trẻ hóa, đã tốt nghiệp Đại học Luật.

 Ông Võ Minh Lâm, Bí thư Đảng ủy phường An Phú Đông (quận 12), cho hay: “Trình độ, kiến thức của đội ngũ cán bộ tiếp dân đã được nâng lên. Điều cần bổ sung là kỹ năng tiếp dân. Để khắc phục hạn chế này, phường An Phú Đông thực hiện chủ trương cán bộ không chỉ ngồi ở phòng, tiếp dân theo lịch, mà phải gắn bó dân, đeo bám giải quyết dứt điểm những chuyện bức xúc của người dân. Lãnh đạo chủ chốt phường phải cùng tham gia, hỗ trợ cán bộ chuyên trách. Điện thoại, lịch làm việc của cán bộ được niêm yết công khai. Nhờ công khai, phối hợp trong công tác tiếp dân, nên hầu hết những bức xúc của dân sẽ được giải quyết ngay tại phường, việc KN-TC vượt cấp giảm hẳn”.      

Tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 1-1133, Ban Chỉ đạo 1-1133 TPHCM nghiêm túc phân tích chỉ ra những mặt hạn chế, khuyết điểm, đồng thời ghi nhận: “Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp tham mưu, kiến nghị việc giải quyết KN-TC từng bước được nâng cao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có tinh thần trách nhiệm, nhận thức pháp luật toàn diện, vững vàng chuyên môn; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hành chính giải quyết KN-TC hiệu quả, chính xác, đúng quy định pháp luật”.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục