Đến hẹn lại lên, những buổi họp đầu năm học luôn khiến nhiều phụ huynh cảm thấy nặng nề bởi những khoản tiền trường theo quy định lẫn khoản thu thỏa thuận, tự nguyện. Làm thế nào để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục đúng mục đích nhưng không bị phụ huynh phản ứng?
Nhà vệ sinh mới xây khang trang, sạch sẽ ở Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Bình Thạnh)
Thu hay không thu đều… khổ
Câu chuyện về các khoản thu tiền trường đầu năm học luôn nóng và nhiều khi khiến ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm dị ứng, mệt mỏi. Như bộc bạch của nhiều hiệu trưởng thì thu thêm cũng khổ nhưng không thu còn khổ hơn, học trò bị thiệt thòi nhiều hơn. Bởi lẽ, nguồn kinh phí thường xuyên dành cho giáo dục quá eo hẹp, nhà trường không biết lấy nguồn nào để nâng cấp, sửa chữa nhỏ, nhất là làm mới nhà vệ sinh, tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch trong khuôn viên học đường. Và vì muốn yên ổn, gói ghém trong nguồn tài chính được cấp và “có nhiêu xài nhiêu”, nhiều trường chỉ dừng ở việc thu đúng, thu hộ các khoản thu theo quy định.
Còn nhiều hiệu trưởng ở các trường thuộc diện nghèo, quận vùng ven, ngoại thành thì bộc bạch rằng vận động học sinh đi học đầy đủ, không bỏ học giữa chừng đã khó, nói chi đến chuyện vận động đóng góp. Và để câu chuyện tiền trường không trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh, khi tổ chức họp phụ huynh đầu năm học, nhiều trường học ở quận ven, ngoại thành không hề nhắc đến khoản thu thêm nào ngoài quy định. Điển hình như Trường THPT Ngô Gia Tự (quận 8), phụ huynh đi họp để nắm thông tin về kế hoạch giáo dục của nhà trường, hiểu rõ chương trình, lịch học của con em mình để có nhiệm vụ phối hợp, nhắc nhở con em mình học tốt.
Theo các giáo viên chủ nhiệm, buổi họp phụ huynh đầu năm chỉ đề cập đến việc học hành, giáo dục học sinh thì cả giáo viên lẫn phụ huynh đều nhẹ lòng. “Không phải Trường THPT Ngô Gia Tự không có nhu cầu đầu tư cho môi trường học đường khang trang hơn, xanh sạch hơn, nhưng thực hiện chủ trương xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng góp không dễ. Đa phần phụ huynh ở quận 8 có hoàn cảnh khó khăn nên ngoài việc phải lo các khoản tiền theo quy định, nhà trường không muốn họ phải gánh thêm áp lực tiền trường hay quỹ phụ huynh. Có nhiều thứ cần chi nhưng chúng tôi cố gắng gói ghém và trích từ nguồn kinh phí thường xuyên để thực hiện”, thầy Trương Quang Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Có thể nói, nỗi niềm phải vận động thu tiền trường ở mỗi trường mỗi khác và sự thấu hiểu, chia sẻ của từng phụ huynh với những khoản đóng góp mang tên “tự nguyện” cũng không giống nhau. Một hiệu trưởng ở quận nội thành nêu quan điểm: “Nếu phụ huynh chung tay vì sự nghiệp phát triển giáo dục, tạo ra môi trường học đường khang trang, hiện đại và sạch sẽ để con em họ hưởng lợi, có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn thì tại sao lại từ chối khoản đóng góp tự nguyện này?”. Cũng theo quan điểm của vị hiệu trưởng này, với trường học có khoảng 2.000 - 3.000 học sinh, chỉ cần mỗi phụ huynh tự nguyện đóng góp khoảng 100.000 - 200.000 đồng thì đã thu được nguồn kinh phí xã hội hóa khá lớn để chủ động chi nhiều việc, như nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tạo môi trường cảnh quan đẹp cho trường học. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là mục đích thu có thuyết phục và việc sử dụng nó có thực sự minh bạch, rõ ràng?
Chưa được thu các khoản ngoài quy định
Rất nhiều phụ huynh bức xúc vì năm nào đi họp phụ huynh cũng đau đầu với các khoản thu tiền trường như quỹ hội phụ huynh lớp và trường, tiền cơ sở vật chất để sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, lắp máy lạnh, quạt, đèn, máy chiếu… Lý giải thực tế nhà vệ sinh của nhiều trường xuống cấp và năm nào cũng phải sửa chữa hoặc đầu tư xây mới, một số hiệu trưởng cho biết nếu không có nguồn kinh phí vận động, hỗ trợ của phụ huynh thì không thể làm được. Tuy nhiên, công trình này luôn bị “chất vấn” vì có trường chỉ đầu tư 300 triệu đồng đã có hệ thống nhà vệ sinh hiện đại, nhưng ngược lại có nhiều công trình bị “vẽ” lên 1 - 2 tỷ đồng. Do bị ép đóng khoản tự nguyện quá lớn và cào bằng mức đóng trên đầu học sinh nên nhiều phụ huynh đã phản đối. Tương tự, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại như lắp máy tính, máy chiếu… để ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giảng dạy nhiều khi cũng gây bức xúc trong phụ huynh. Theo họ, nhiệm vụ hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất cho trường học là ngân sách phải đầu tư chứ không thể cái gì cũng vận động và lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục, đẩy cái khó về phụ huynh.
Mới đây, Trường THPT Thủ Thiêm TPHCM đã bị phụ huynh phản ứng vì có nhiều khoản thu tiền trường không hợp lý, vì thế nhà trường đã ngừng thu các khoản hoặc giảm bớt mức thu. Câu chuyện điển hình từ năm học trước, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) bị “bêu gương” vì huy động quỹ lớp “khủng” gần 150 triệu đồng và phụ huynh phải đóng các khoản mua sắm đầu năm lên đến 3,4 triệu đồng, bị ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) quận 7 thổi còi, xử lý thu hồi tiền trả lại phụ huynh, là bài học đắt giá cho nhiều trường.
Trước thực tế một số trường học trên địa bàn TPHCM có hiện tượng lạm thu tiền trường, Sở GD-ĐT TPHCM đã có công văn nhắc nhở. Theo đó, trong khi chờ hướng dẫn liên Sở GD-ĐT và Tài chính về thực hiện quyết định số 34 của UBND TPHCM, các trường chỉ được thu các khoản thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu của học sinh đầu năm, không được thu bất kỳ khoản nào ngoài quy định.
HÀ ANH