Năng lực giáo viên Philippines: Nếu đạt chuẩn mới áp dụng

LTS: Trang Nhịp cầu bạn đọc trên Báo SGGP số ra ngày 2-11-2012 có đăng bài “Dạy tiếng Anh tại trường phổ thông - “Viện binh” có xoay chuyển tình hình?”, nói về việc Sở GD-ĐT TPHCM chuẩn bị thử nghiệm tuyển 100 giáo viên Philippines sang dạy tiếng Anh cho học sinh. Sau đó, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

LTS: Trang Nhịp cầu bạn đọc trên Báo SGGP số ra ngày 2-11-2012 có đăng bài “Dạy tiếng Anh tại trường phổ thông - “Viện binh” có xoay chuyển tình hình?”, nói về việc Sở GD-ĐT TPHCM chuẩn bị thử nghiệm tuyển 100 giáo viên Philippines sang dạy tiếng Anh cho học sinh. Sau đó, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

  • Nếu thuê được thầy giỏi, đạt chuẩn thì quá tốt

Dường như có một sự hiểu lầm trong việc dạy tiếng Anh hiện nay: Qua đợt kiểm tra trình độ tiếng Anh theo chuẩn châu Âu cho giáo viên, kết quả đa số giáo viên trong nước còn yếu phần nghe - nói, nên bây giờ đặt ra giải pháp khắc phục bằng việc thuê thầy “ngoại”. Thực ra, việc giáo viên còn yếu phần nghe - nói chỉ là tạm thời do thiếu môi trường rèn luyện. Thầy Philippines nghe - nói tốt phần nhiều là nhờ quen, chứ chưa hẳn đã giỏi. Còn xét giỏi hay không phải dựa vào tiêu chí trình độ tiếng Anh theo chuẩn châu Âu. Nếu đạt chuẩn châu Âu, cấp độ C1 hay B2 thì quá tốt. Đây là động lực để thầy “nội” nỗ lực cạnh tranh.

Theo tôi biết, ở châu Á chỉ có Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) là có 100% giáo viên giảng dạy tiếng Anh đạt chuẩn châu Âu. Như vậy, liệu số giáo viên Philippines đã đạt chuẩn chưa? Nếu chưa, vậy thuê làm gì? Tại quận 3, chỉ có 6 giáo viên THCS đạt chuẩn B2. Với mức trả lương 2.000 USD mà thuê được giáo viên cấp độ B2, tôi nghĩ cũng khó.

Có người đặt vấn đề khi thuê thầy “ngoại”, trả lương cao, liệu có làm thầy “nội” tự ái? Riêng tôi, tôi không hề tự ái và nếu ngành giáo dục thuê được thầy “ngoại” giỏi, đủ chuẩn thì đây là môi trường thuận lợi để chúng tôi cạnh tranh và phấn đấu về chuyên môn.

Thầy VŨ VẠN XUÂN (Trường THCS Lê Quý Đôn, TPHCM)  

  • Quá nhiều chương trình, biết chọn ai?

Thật ra, số tiền học phí 120.000 đồng/tháng để học tiếng Anh với thầy “ngoại” không nhiều so với thu nhập của một gia đình trung bình hiện nay. Có điều, nếu nhìn lại, nhiều người không khỏi giật mình đặt câu hỏi: Vì sao hiện nay có quá nhiều chương trình dạy tiếng Anh trong nhà trường. Ở cấp tiểu học, các cháu phải thi hay “chạy” vào lớp tăng cường tiếng Anh. Lên bậc THCS, ngoài lớp tăng cường tiếng Anh còn có lớp tiếng Anh nâng cao. Rồi sau đó ngành giáo dục tiếp tục đưa vào các trường thêm chương trình Cambridge, và bây giờ là chương trình do thầy Philippines dạy. Tôi nghĩ, trước khi đưa một chương trình vào dạy, ngành giáo dục nên thẩm định kỹ càng, đạt chuẩn thì hãy áp dụng, không nên coi nhà trường như một nơi thí nghiệm hết chương trình này đến chương trình khác mà không có đánh giá, tổng kết.

Con tôi đang học tại một trường THCS và thuộc lớp tiếng Anh nâng cao. Ngoài giờ học chính khóa buổi sáng, cháu còn phải tới trường 2 buổi chiều để học tiếng Anh nâng cao. Lớp 50 cháu, thầy giáo nước ngoài cũng bó tay trước đàn ong vỡ tổ. Học không hiệu quả, tốn thời gian, công sức đưa đón, nhiều phụ huynh đã xin chuyển con từ lớp nâng cao sang học lớp thường… Ai cũng đồng tình chuyện học ngoại ngữ là phải giao tiếp với thầy nước ngoài nhưng với không gian, thời gian học như hiện nay, tôi e là không hiệu quả bao nhiêu, dẫu người dạy là thầy nước ngoài.

QUANG MỸ (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục