
Kể từ khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ra đời cho tới nay, thế giới đã chứng kiến nhiều sự cố hạt nhân. Những sự cố, đôi khi là thảm họa, đã tạo thành mối ám ảnh của không ít người.
Hai thảm họa thức tỉnh con người

Năm 1954, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng tại thành phố Obninsk cách Moscow (Liên Xô cũ) hơn 100km. Đến năm 1956, Calder Hall, nhà máy điện hạt nhân tại Sellafield (Anh) bắt đầu đi vào hoạt động, mở ra triển vọng về một nguồn năng lượng mới, vô cùng dồi dào và có giá thành thấp. Tuy nhiên, hai thảm họa lớn liên quan đến năng lượng hạt nhân khiến dư luận thế giới hồ nghi về tính bền vững và an toàn của điện hạt nhân.
Thảm họa hạt nhân lớn đầu tiên xảy ra năm 1979 tại tổ máy số 2 của nhà máy “Three Mile Island”, nằm trên hòn đảo có diện tích 3,3km2 trên sông Susquehanna (bang Pennsylvania, Mỹ). Đây được coi là tai nạn hạt nhân dân sự nghiêm trọng của phương Tây và bị xếp vào mức 5 trên thang sự cố hạt nhân quốc tế - INES của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), được dùng để thông báo mức độ nghiêm trọng của các sự cố hạt nhân (thang được chia thành 8 mức, từ 0 đến 7).
Trong sự cố “Three Mile Island”, một phần vùng hoạt của lò bị nóng chảy. Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC), thùng lò chịu áp lực và thùng bao không bị thủng và rất ít chất phóng xạ thoát ra ngoài môi trường, không có ảnh hưởng về sức khỏe và môi trường đáng kể nào. Các khảo sát thực hiện sau đó cũng chứng tỏ tỷ lệ ung thư trong quần cư quanh khu vực nhà máy không tăng.
Sự cố hạt nhân thứ hai được nhắc tới nhiều hơn là thảm họa hạt nhân Chernobyl, xảy ra vào ngày 26-4-1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraine bị nổ. Đây được coi là tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử và duy nhất bị liệt vào mức 7 của thang INES.
Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ bay lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía Tây Liên Xô, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh và phía Đông nước Mỹ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người.
Một bản báo cáo năm 2005 do Hội nghị Chernobyl, dưới quyền lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đưa ra cho rằng có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em vì ung thư tuyến giáp và ước tính rằng có khoảng 9.000 người, trong số gần 6,6 triệu, cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó…
Một số sự cố hạt nhân khác
Ngoài 2 thảm họa hạt nhân nói trên, một số sự cố hạt nhân nhỏ lẻ cũng xảy ra. Năm 1957, nhà máy điện hạt nhân Mayak (Kyshtym, Liên Xô cũ) gặp sự cố ở mức 6 của thang INES. Một lượng phóng xạ lớn đã thoát khỏi lò phản ứng, khiến 200 người chết, 10.000 phải đi sơ tán và khu vực rộng 250km² bị phong tỏa.
Cũng trong năm 1957, một sự cố diễn ra ở nhà máy Windscale (Anh), bị xếp vào mức 5 của thang INES. Đám mây phóng xạ thoát ra ngoài, bị gió cuốn đi và tác động đến một phần lục địa châu Âu. Lệnh cấm sử dụng sữa được áp dụng trong 2 tháng tại khu vực có iện tích 500km² bao quanh nhà máy.
Năm 1980, nhà máy điện hạt nhân Saint-Laurent (Loir-et-Cher, Pháp) gặp sự cố ở mức 4 thang INES. Sau tai nạn, nhà máy này đã bị phá hủy nặng nề và phải ngừng cung cấp điện trong 2 năm rưỡi. Đây được coi là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất ở Pháp.
Năm 1999, sự cố mức 5 thang INES xảy ra tại Tokaimura, cách Tokyo (Nhật Bản) 120km về phía Đông Bắc. Tai nạn xảy ra do lỗi của con người, khi công nhân đưa lượng uranium lớn (16kg) vượt quá mức cho phép (2,3kg) vào thùng. Vụ rò rỉ phóng xạ khiến 2 công nhân nhà máy thiệt mạng và khoảng 600 người khác bị nhiễm phóng xạ.
Một số sự cố hạt nhân khác như: Năm 2006, tại Thụy Điển, sự cố được xếp vào mức 2 của thang INES xảy ra tại nhà máy hạt nhân Forsmark; năm 2007, rò rỉ phóng xạ xảy ra ở biển Kashiwazaki-Kariwa (Nhật Bản) sau một vụ động đất 6,6 độ ở Niigata.
Gần đây nhất, đầu tháng 7-2008, Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp thông báo khoảng 30.000 lít chất độc hại có chứa uranium chưa làm giàu chảy ra hai con sông Gaffiere và Lauzon (miền Nam nước Pháp). Vụ rò rỉ chất phóng xạ bị xếp ở mức 1 của thang INES này xảy ra trong khi công nhân tại một nhà máy thuộc trung tâm năng lượng hạt nhân ở Tricastin đang làm vệ sinh bể chứa dung dịch.
Lượng chất độc rò rỉ, chứa khoảng 75kg uranium chưa làm giàu, tuy có mức độ phóng xạ nhẹ, nhưng vẫn nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người. Các nhà chức trách đã phải ra lệnh cấm người dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt tại 3 thị trấn lân cận và nước tưới tiêu dẫn từ hai con sông trên.
Con người đóng vai trò quyết định
Dù lớn hay nhỏ, các sự cố hạt nhân đã làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân trên thế giới, làm đình trệ sự phát triển của ngành này trong nhiều năm. Theo các nhà khoa học, thực ra, những ngành công nghiệp điện khác cũng gặp nhiều sự cố và thiệt hại trong quá trình xây dựng và vận hành nhưng dường như những sự cố hạt nhân được chú ý hơn và nhiều khi đã bị thổi phồng.
Tuy nhiên, những rủi ro gắn liền với hạt nhân là rõ ràng. Những sự cố hạt nhân trong lịch sử cho thấy tai nạn hạt nhân xảy ra ở khắp nơi, kể cả ở những nước có trình độ khoa học tiên tiến của thế giới như Mỹ, Liên Xô, Nhật Bản… Nguyên nhân có nhiều, từ sai sót trong thiết kế, thi công cho đến lỗi vận hành hay sự tác động của các yếu tố tự nhiên. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho rằng lỗi của con người vẫn là quan trọng nhất. Thảm họa hạt nhân Chernobyl là một ví dụ điển hình: Ngoài yếu tố thiết kế, tai nạn xảy ra chủ yếu do con người không tuân thủ quy phạm khi tiến hành thí nghiệm trên lò phản ứng.
Bài 3: Để năng lượng hạt nhân không là nỗi ám ảnh
Hà Vy (tổng hợp)