
Lâu lắm rồi tôi mới về quê dự đám ma. Những tưởng nếp sống mới trong việc ma chay ở vùng quê cách trung tâm tỉnh Đồng Tháp không đầy chục cây số sẽ được thực hiện một cách triệt để, nhưng không ngờ, những thủ tục lạc hậu bao đời vẫn còn bám rễ nơi đây...

Đám tang ấy có ban lễ nhạc tân cổ, có trống và kèn. Ông thợ ảnh kiêm đạo diễn quay phim là người địa phương. Nghe nói, trước ông làm nghề “gõ đầu trẻ”, giờ về hưu mở một tiệm ảnh tại quê. Khi gia chủ có việc, toàn bộ đồ nghề được vận chuyển đến lắp đặt như một buổi chiếu bóng lưu động thời bao cấp.
Một máy quay được anh vác trên vai, một cái được đặt cố định từ xa để ghi hình liên tục trong buổi lễ. Khách đến dự không cần phải chen chúc vào tận trong nhà, chỉ cần ngồi ngoài sân cũng được xem các cảnh tẩm liệm, phúng điếu qua tivi đặt ở đầu hè.
Với nghệ thuật bấm máy của ông ta, hàng trăm kiểu ảnh liên tục ra đời, cứ một kiểu 7.000 đồng. Tổng chi phí cho buổi quay phim, ban lễ nhạc và hình ảnh, gia chủ phải chi ít nhất cũng gần… một tấn lúa.
Nhưng có lẽ rườm rà hơn cả là thủ tục tế lễ, cúng cơm của đám tang này. Khi liệm xong, nghi lễ cúng cơm diễn ra hơn một giờ đồng hồ. Ban tổ chức tang lễ “hành” anh con trưởng hết đứng lên lại quỳ xuống để dâng cơm, nâng rượu, mời trà. Mệt đến nỗi, anh phải kêu với trưởng ban tang lễ: “Hôm sau viếng, chú “tha” cho cháu, cháu mà quỵ xuống thì khốn, lấy ai mà chống đỡ đây?”.
Chính thủ tục, tế lễ rườm rà ấy đã làm mất lòng khách khứa của anh. Họ ở xa hàng trăm cây số về dự đám tang nhưng phải đợi nhiều giờ đồng hồ mới đến lượt vào dâng hoa, đặt lễ.
Trong khi chờ đợi đến lượt mình vào viếng, tôi ra phía sau xem tang chủ chuẩn bị cỗ bàn cho đám ma. Thật bất ngờ! Cỗ đám ma mà mọi người đang chuẩn bị còn sang hơn cỗ cưới. Ngoài những món truyền thống của địa phương còn có những món cao cấp như thịt bò tẩm vừng, chả nướng xiên que. Giò nạc, giò mỡ, giò cuộn chất cao như núi đang đợi cánh đầu bếp cắt ra để dọn.
Không chỉ có ba cái bếp than cháy rực mà còn thêm cả chiếc bếp ga chuyên dụng to đùng phục vụ nướng chả, xào thịt. Tôi tò mò hỏi bếp trưởng, tất cả làm bao nhiêu mâm. Anh bảo “năm bảy chục mâm, ăn đến đủ thì thôi. Hết thì lại sắp tiếp, được cái thực phẩm sẵn...”. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi tính sơ sơ cũng vài chục mâm. Chưa kể hôm sau đưa ma về toàn bộ khách đều phải ăn cỗ.
Chưa đầy nửa tháng sau, tôi lại về quê dự một đám ma khác. Cũng ban lễ nhạc, quay phim, cũng thủ tục rườm rà, cũng ăn uống linh đình. Nhưng long trọng và “lịch sự” hơn là có thêm dàn kèn đồng trong buổi tiễn đưa. Hơn hai mươi nhạc công mặc áo quần chỉnh tề được mời tới từ một nhà thờ lớn. Kèn nhỏ, trống to xập xàng liên tục khua từ nhà ra tới bãi tha ma. Chi phí cho riêng lễ nghi này cũng hơn ba triệu đồng, chưa kể 2 mâm cơm cỗ cho cánh thổi kèn, đánh trống ấy.
Có lẽ không phải kể thêm cũng đủ thấy đám ma quê thời kinh tế thị trường này rườm rà, tốn kém ra sao! Điều đáng nói là cách tổ chức rườm rà trên lại được nhà nọ bắt chước nhà kia như một phong trào.
Có không ít người khi cha mẹ nằm xuống, vì không muốn thua… hàng xóm, phải vay mượn hàng chục triệu đồng để lo cỗ bàn, trả tiền cho việc chụp ảnh, quay phim, ban nhạc hiếu, đội kèn đồng… Nhiều người dân ở đây muốn phản đối kiểu tổ chức đám ma này nhưng không biết phải bằng cách nào? Chính quyền địa phương làm ngơ, đoàn thể không kiên quyết nên nó vẫn có đất sống!
Hoàng Việt
(Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp)