TPHCM và khu vực Nam bộ đã bước vào giai đoạn nắng nóng nhất của mùa khô 2016. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ về vấn đề này.
- Phóng viên: Ngay từ đầu tháng 3, có thể cảm nhận rõ ràng thời tiết đã oi bức lên nhiều, nhất là buổi trưa và chiều, so với trước và trong Tết nguyên đán. Ông có cho rằng đấy là dấu hiệu giai đoạn cao điểm nắng nóng của mùa khô 2016 sẽ rất gay gắt?
>> Ông ĐẶNG VĂN DŨNG: Theo số liệu đo đạc chúng tôi ghi nhận được, hiện TPHCM và khu vực Nam bộ đang ở trước thềm những ngày nắng nóng gay gắt nhất trong mùa khô 2016. Dự báo từ nay đến cuối tháng 4, trời nắng và không mưa, trong đó nhiệt độ sẽ từ từ tăng dần rồi đạt đỉnh trong khoảng từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5.
Cụ thể, từ nay đến đầu tháng 4 tại khu vực miền đông Nam bộ bao gồm TPHCM, nhiệt độ cao nhất từ 35 - 37°C và thấp nhất từ 23 - 25°C, trong khi ở miền Tây Nam bộ cao nhất từ 33 - 35°C và thấp nhất từ 24 - 26°C. Trong giai đoạn nửa đầu tháng 4, nhiệt độ cao nhất và thấp nhất tại miền Đông Nam bộ lần lượt tương ứng là 36 - 38°C và 34 - 36°C, còn tại miền Tây Nam bộ từ 34 - 36°C và 25 - 27°C. Trong giai đoạn đỉnh điểm nắng nóng, tức từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, nhiệt độ tại miền Đông Nam bộ cao nhất từ 37 - 39°C, thấp nhất từ 35 - 27°C trong khi miền Tây Nam bộ đạt cao nhất 35 - 37°C và thấp nhất 25 - 27°C.
Đo độ mặn nước từ sông Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TRÍ
- Ông có nhận xét gì về những số liệu dự báo ấy?
Với dự báo nhiệt độ cao nhất từ 37 - 39°C, có thể thấy rằng chỉ số nhiệt độ cao nhất không thay đổi nhiều so với cùng kỳ các năm trước đây, thế nhưng điểm khác biệt và cũng là điều đáng ngại so với cùng kỳ các năm trước ở chỗ năm nay thời gian nắng nóng dự báo kéo dài hơn và xảy ra trên diện rộng hơn. Theo xếp loại của ngành khí tượng, nền nhiệt độ nếu nằm trong phạm vi từ 35°C đến dưới 37°C và độ ẩm dưới 50% được gọi là xảy ra nắng nóng. Như vậy rõ ràng nắng nóng đã và sẽ xảy ra rộng khắp, kể cả khu vực miền Tây Nam bộ vốn trước đây ít khi xảy ra nắng nóng gay gắt. Một điều đáng lưu ý khác là nền nhiệt độ trung bình ở miền Đông Nam bộ tiếp tục cao hơn trung bình nhiều năm với mức tăng từ 0,5 - 1,5°C, tức là một mức tăng đáng kể. Nền nhiệt độ này lại phản ánh một thực trạng khác: tình trạng bốc hơi sẽ mạnh hơn.
- Liệu sẽ có những cơn mưa vàng trong cao điểm nắng nóng sắp tới tại TPHCM và khu vực Nam bộ không, thưa ông?
Như chúng tôi đã lưu ý, từ nay đến cuối tháng 4 sẽ không có mưa nhưng sau đó từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 mặc dù đang là cao điểm nắng nóng nhưng sẽ có mưa chuyển mùa. Mưa chuyển mùa sẽ xảy ra ở miền Đông Nam bộ trước miền Tây Nam bộ. Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào những cơn mưa chuyển mùa này trong việc giải hạn và xâm nhập mặn vì đặc trưng của mưa chuyển mùa là diện chưa đều, lượng mưa không đáng kể.
- Ông vừa nhắc đến xâm nhập mặn. Vấn đề này đã xảy ra một cách bất lợi từ đầu mùa khô 2015-2016 đến nay và ông dự báo xâm nhập mặn sẽ diễn tiến thế nào trong thời gian tới tại Nam bộ trước khi mùa mưa đến?
Trong đợt triều cường đầu tháng 3 vừa qua, chúng tôi ghi nhận mặn đã xâm nhập rất sâu vào các sông rạch ở Nam bộ. Cụ thể, trên sông Sài Gòn, độ mặn đo được tại trạm Lái Thiêu cách cửa biển 100km là 2,3‰, còn tại chân cầu Thủ Thiêm cách cửa biển 67km là 6,1‰. Trên sông Vàm Cỏ, độ mặn đo được tại trạm Bến Lức cách cửa biển 56km là 6‰, còn tại trạm Tân An cách cửa biển 70km là 4,7‰. Tại trạm Mỹ Tho trên sông Tiền cách cửa biển 50km có độ mặn là 3,9‰. Trên sông Hàm Luông độ mặn đo được tại Bến Tre cách cửa biển 45km là 11,7‰. Trên sông Cổ Chiên độ mặn đo được tại trạm Trà Vinh cách cửa biển 30km là 12,5‰. Trên sông Hậu tại trạm An Lạc Tây thuộc tỉnh Sóc Trăng cách chửa biển 50km độ mặn là 8‰.
- Nếu cần nhận xét cô đọng về tình hình dự báo tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực Nam bộ này, ông sẽ nói gì?
Theo phân loại, độ mặn từ 4‰ trở lên là đã rất đáng quan ngại. Năm nay, diễn biến trong thời gian qua và dự báo thời gian tới cho thấy tình trạng xâm nhập mặn từ ngưỡng 4‰ trở lên đã phổi biến và vào sâu khoảng 50 - 70km trong đất liền. Độ mặn vào càng sâu thì càng đáng lo nhưng điều quan ngại khác là năm nay độ mặn duy trì trong thời gian dài ở các sông so với trước đây. Nguyên nhân là do không có đủ nước ở thượng nguồn để đẩy mặn ra. Tình trạng nước ở thượng nguồn ít và không đủ để đẩy mặn trở ra biển lại bắt nguồn từ tình trạng khô hạn, ít mưa và lượng mưa ít trong mùa mưa 2015. Trong vấn đề này, sự phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên thời tiết là rõ nét. Nói cách khác, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn kéo dài và chỉ có thể cải thiện khi mùa mưa bắt đầu, đồng thời lượng mưa phải nhiều.
THIỆN NHÂN (thực hiện)