Nâng tầm kinh tế hợp tác, nâng cao thu nhập xã viên

Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát về thực tiễn phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hiện nay ở cả khu vực ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng.
Nâng tầm kinh tế hợp tác, nâng cao thu nhập xã viên

Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát về thực tiễn phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hiện nay ở cả khu vực ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng.

Nhiều HTX làm ăn có lãi

Tại tỉnh Nam Định hiện có hơn 300 HTX nông nghiệp. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu ở các HTX hiện nay là kinh tế hộ gia đình, rất ít HTX tổ chức được liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa các hộ xã viên với các doanh nghiệp thông qua ban quản lý HTX. Doanh thu và lãi của các HTX thấp, bình quân doanh thu của 1 HTX đạt hơn 900 triệu đồng/năm, lãi chỉ 47 triệu đồng/năm.

Còn tại ĐBSCL, vùng kinh tế năng động, phát triển, đã và đang hình thành các mô hình HTX để sản xuất hàng hóa, mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… mang lại giá trị và hiệu quả cao. Đến hết năm 2014, tại khu vực ĐBSCL, có 1.928 HTX nông nghiệp đang hoạt động, với 531.299 hộ thành viên. Các HTX tại ĐBSCL tuy có số lượng ít so với các khu vực khác của cả nước nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX tương đối rõ nét. Ban quản trị các HTX tâm huyết, nhiệt tình, dễ thích ứng với sự thay đổi của thị trường, thành viên tham gia sáng lập HTX xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, có tinh thần trách nhiệm đối với HTX.

Tuy nhiên, HTX tại ĐBSCL cũng tồn tại những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém kéo dài, đó là: các nguyên tắc, giá trị của HTX không được hiểu và thực hiện đầy đủ trong một thời gian dài; trình độ, năng lực của đội ngũ lãnh đạo HTX còn yếu; sự hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến, của Nhà nước chưa đủ mạnh. Đa số HTX, nhất là HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, thiếu vốn...

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa bằng máy, giảm chi phí nhân công. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Tuy nhiên, thực tế khảo sát cũng cho thấy, nhiều HTX vẫn làm ăn hiệu quả nếu ban quản lý năng động với cơ chế thị trường. Đơn cử như HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản (Nam Định) là HTX được thành lập theo Luật HTX năm 2012, bước đầu làm ăn khá hiệu quả, số thành viên xin vào HTX tăng (từ 21 thành viên nay tăng lên 32). HTX đã kết hợp với ngân hàng bảo lãnh để các trang trại vay vốn làm ăn, tìm hiểu thị trường, qua đó nâng quy mô chăn nuôi. HTX cũng ký hợp đồng với các xí nghiệp để cung ứng vật tư ổn định cho các hộ gia đình. Để giải quyết việc xã viên thiếu vốn, HTX đã dùng vốn của mình và vốn của một số xã viên cho những hộ khó khăn vay để mua giống và vật tư. Nhờ sử dụng dịch vụ của HTX nên chi phí sản xuất của các trang trại giảm từ 5% - 10% so với không có HTX.

Giúp nông dân tiếp cận khoa học công nghệ

Hầu hết HTX kiến nghị tạo điều kiện được vay vốn để sản xuất. Ngoài ra, một thực tế nổi lên mà các HTX đều chỉ ra, đó là vẫn bế tắc đầu ra nông sản cho bà con nông dân, chủ yếu là từng hộ tự tiêu thụ, đưa hàng sản xuất ra thị trường. Nói cách khác, chưa hình thành được chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ. 90% HTX hiện nay chưa quan tâm đến khâu tiêu thụ cho nông dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không thể tiếp tục quản lý từng HTX như thời gian qua mà cần phải có tư duy mới về kinh tế hợp tác và có bước đột phá về hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của xã viên so với người không vào HTX. Với HTX kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phá, khắc phục được các yếu kém, cản trở kéo dài suốt 30 năm qua. Khi có HTX, có thể bán hàng với quy mô lớn, cam kết chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Từ đó, làm cho giá tiêu thụ ổn định. HTX gắn với doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán được mùa, rớt giá và có thể yêu cầu nhà nước bao tiêu sản phẩm.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, bản chất của HTX không phải là sự phủ định, sự thay thế kinh tế hộ, mà làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của xã viên cao hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, thông qua việc HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao cho các hộ xã viên, qua việc phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các hộ. HTX kiểu mới có những điểm mạnh: giúp nông dân giảm chi phí nhưng tăng chất lượng; hỗ trợ cách quản lý về chất lượng nông sản để đưa sản phẩm của hộ nông dân ra với thị trường; nắm bắt, tranh thủ được những hỗ trợ của nhà nước, của doanh nghiệp để giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với khoa học công nghệ, nâng cao năng suất; giúp nông dân có cơ chế và pháp nhân để huy động vốn, bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Kết quả khảo sát về thực tiễn phát triển HTX thời gian qua đã được MTTQ Việt Nam báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Vì vậy, tại Nghị quyết Chính phủ tháng 4 mà Chính phủ vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền mô hình HTX kiểu mới. Khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về HTX nông nghiệp trong tháng 5 này. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại mô hình HTX phù hợp với Luật HTX năm 2012.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục