Náo nức ngày ấy

Náo nức ngày ấy

LTS: Ngày 25-4-1976 là ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI, Quốc hội chung đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. 35 năm đã trôi qua kể từ thời điểm đó, vai trò của Quốc hội và đại biểu dân cử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thay đổi nhiều cùng với sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của đất nước. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày trọng đại ấy, vào dịp đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử Quốc hội lần thứ XIII, mời bạn đọc lắng nghe tâm sự của hai đại biểu Quốc hội khóa VI là Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, một trong những phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh vệ quốc, và nhà báo Lê Văn Nuôi, đại biểu QH trẻ nhất của TPHCM lúc đó.

Trung tướng Trần Hanh

Trung tướng Trần Hanh

Tôi còn nhớ lúc đó mình là ứng cử viên ở TP Đà Nẵng - Hoàng Sa. Người dân ở khu vực tôi ứng cử chủ yếu làm nghề chài lưới, đóng tàu thuyền, nhiều người theo đạo Công giáo và có cả một bộ phận là ngụy quân, ngụy quyền cũ sau khi đi học tập. Họ nô nức kéo đến tiếp xúc với ứng cử viên “từ Bắc vào”, mang theo mùi biển cả và lấm tấm mạt gỗ trên tóc, trên áo.

Một nhà sử học sau này tôi còn giữ liên hệ (anh ấy đã mất khá lâu) đặt câu hỏi rất thẳng thắn với tôi: “Ông nói rằng đất nước ta đi lên CNXH, nhưng ta đã có CNXH chưa?”. Tôi đáp: “Thưa các đại biểu cử tri, tôi không ngờ bà con lại đến tiếp xúc với chúng tôi một cách đông đủ và vui vẻ đến vậy. Về câu hỏi vừa đặt ra, tôi xin trả lời thế này. Chúng ta đã có những con người của CNXH khi CNXH đã và đang được xây dựng ở miền Bắc. Với những con người của CNXH, với ý chí, quyết tâm và đường lối đã được vạch ra, chúng ta sẽ xây dựng CNXH ở thành phố biển tươi đẹp của bà con và trên khắp đất nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất”. Tôi thấy thật hạnh phúc khi nhận được những tràng vỗ tay nhiệt thành của cử tri. Con đường làm công tác dân cử của tôi bắt đầu từ đó - với QH khóa VI.

Thế rồi chúng tôi bước vào Hội trường Ba Đình lịch sử để bắt đầu kỳ họp QH đầu tiên có đại diện của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Chúng tôi lúc đó ai có gì mặc nấy, nhiều người trẻ, không ít người bước ra từ trận mạc chiến tranh, rất nhiều nhân sĩ trí thức, không ít người chưa phải đảng viên và… rất ít người mặc complet (hay nói đúng hơn là chưa có complet mà mặc). Các chị em nữ cũng không mặc áo dài. Hội trường QH lúc đó nhìn như một đóa hoa đa sắc.

Ngày đầu tiên, rất nhiều anh chị em đi ra đi vào ngắm nghía và bàn luận sôi nổi về Hội trường Ba Đình mà trước đó họ mới chỉ nghe nói đến. Và nhiệt tình cách mạng bồng bột, sôi nổi tràn ngập khán phòng QH. Tôi không sao quên được bài diễn văn của đồng chí Lê Duẩn. Ông nói, trải qua bao năm kháng chiến trường kỳ gian khổ mới có ngày hôm nay - một mốc son lịch sử đối với QH của nước CHXHCN Việt Nam độc lập, tự do vĩnh viễn. Hai chữ “vĩnh viễn” ấy ghim vào trí nhớ của tôi, rưng rưng một cảm xúc thật khó tả…

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976 - 1981), với 7 kỳ họp, Quốc hội khóa VI đã bàn bạc, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng (trong đó có việc thông qua Hiến pháp năm 1980, quyết định quốc hiệu, quốc ca, quyết định đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành TPHCM…) nhưng điều tôi nhớ nhất là sự đồng lòng, nhất trí gần như tuyệt đối. Mỗi khi biểu quyết là cả rừng cánh tay giơ lên thật cao, thật thẳng, mặc dù các ĐBQH đến từ cả 3 miền đất nước, từ những địa phương có đặc điểm và điều kiện hết sức khác nhau bởi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh...

Một câu chuyện thuộc loại “bên lề QH” mà tôi tâm đắc là chuyện “se duyên” cho hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đều là ĐBQH khóa VI: Thượng tướng Nguyễn Chơn và Đại tá Trần Thị Lý (Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tá Trần Thị Lý là ĐBQH khóa IV, V, VI - PV).

Anh Chơn lúc đó đã 48 tuổi, nổi tiếng trong lực lượng bộ đội chủ lực ở mặt trận Quảng Đà, còn chị Lý khoảng 30 tuổi, nhưng cũng đã là Anh hùng, trưởng thành từ phong trào chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình. Chưa từng lập gia đình nên anh Chơn dày dạn trong trận mạc là thế nhưng lại rất rụt rè trong tình cảm. Họ đúng là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Thế mà rồi họ nên duyên, có với nhau hai người con gái - có một chút “công” của tôi đấy”.

Trung tướng Trần Hanh

  • Hạnh phúc lớn nhất của người thanh niên
Nhà báo Lê Văn Nuôi

Nhà báo Lê Văn Nuôi

1. Những ngày giữa tháng 5-1975, khi còn đang cùng bạn bè nằm trên boong chuyến tàu Hải quân cách mạng lênh đênh trên đường biển đón hơn 200 chiến sĩ từ nhà tù Côn Đảo trở về Sài Gòn, tôi đã thả hồn mình vào những giấc mơ đoàn tụ với cha mẹ, chị em, với người yêu và bạn bè trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ.

Vào trưa 17-5-1975, khi chuyến tàu này cặp bến Bạch Đằng, ngước thấy những lá cờ Tổ quốc phất phới trên những dãy phố ven sông, tôi đã để mặc nước mắt tuôn trào, cho vơi đi nỗi khao khát tự do của một người đang lứa tuổi 20 nhưng đã bị chế độ Sài Gòn giam cầm hơn 4 năm dài đằng đẵng.

Sau khóa học “Chiến thắng” dài một tuần do Thành ủy tổ chức dành cho các chiến sĩ vừa được giải phóng khỏi các nhà giam của chế độ Sài Gòn, tôi trở về đơn vị cũ là Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng đồng đội lao vào các chiến dịch truy quét văn hóa phẩm đồi trụy, phản động; chiến dịch xây dựng chính quyền cách mạng ở các phường thuộc quận 4.

Vào một ngày cuối tháng 8-1975, tôi vui mừng hớn hở khi nhận tin được triệu tập về Thành đoàn, để tham gia đoàn đại biểu nhân dân miền Nam ra thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2-9-1975. Được đến thủ đô của đất nước mình chỉ vài tháng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, là một món quà vô giá đối với những người đã dấn thân vì độc lập, tự do của dân tộc; vì giữa những ngày sống trong căn cứ - chiến khu, những ngày sống chết trên chiến trường lửa đạn hay những ngày khắc khoải trong ngục tối, người chiến sĩ nào mà không mơ ước được nhìn thấy thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác Hồ.

Nhưng, tôi hiểu, nhiều chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh hơn tôi rất nhiều, nhưng họ đâu được hưởng món quà vinh dự này như mình. Hạnh phúc vì được sống trong thủ đô của đất nước Việt Nam càng thăng hoa trong tôi khi máy bay đáp xuống sân bay Gia Lâm - Hà Nội, được chan hòa trong vòng tay và nụ cười của các bạn trẻ sinh viên, học sinh, công nhân miền Bắc.

Trung ương Đoàn đưa nhóm thanh niên gồm anh Lê Quang Vịnh, anh Lê Hồng Tư, anh Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Văn Nuôi đến các trường đại học và xí nghiệp để trò chuyện với giới trẻ thủ đô về cuộc sống của giới trẻ miền Nam, về phong trào thanh niên sinh viên Sài Gòn và đô thị miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Thiệu. Cuối mỗi cuộc giao lưu với các bạn trẻ Hà Nội, các cô gái Hà Nội xinh đẹp bao giờ cũng lên sân khấu hát tặng đoàn chúng tôi bài “Người ơi, người ở đừng về!”, khiến tôi đôi lúc xao xuyến tâm hồn, vì khi ấy tôi mới 23 tuổi và chưa có vợ!

Niềm vui được nhân đôi, khi chúng tôi được các nhà lãnh đạo nổi tiếng như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Tố Hữu... gặp gỡ, trò chuyện, nhắn nhủ với thanh niên miền Nam những lời tâm huyết của các bậc lão thành cách mạng.

2. Vào những tháng đầu năm 1976, sự kiện cuộc tổng tuyển cử Quốc hội thống nhất đầu tiên của đất nước đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời, khi tôi cùng anh Huỳnh Tấn Mẫm, chị Võ Thị Thắng được Thành đoàn và Mặt trận Tổ quốc TPHCM giới thiệu ra tranh cử và đắc cử đại biểu Quốc hội khóa VI. Những cuộc đi tiếp xúc với cử tri ở Sài Gòn khi ấy đối với các ứng cử viên non trẻ như chúng tôi diễn ra đầy lo âu, căng thẳng, vì đa số dân chúng chưa hiểu nhiều về chế độ mới. Nhưng rồi, sự tự tin của chúng tôi đã được dân chúng đáp trả bằng những lá phiếu tin cậy.

Khóa họp đầu tiên của một nhiệm kỳ Quốc hội thống nhất đầu tiên này đã bàn luận và biểu quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước, như kế hoạch xây dựng - phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1976-1981; về Quốc kỳ, Quốc ca... Đối với những chuyện đại sự như trên, tất nhiên tôi phải nghe nhiều hơn nói, vì tự thấy mình còn “trẻ người non dạ”.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa này là chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo, hướng dẫn tôi viết và trình bày trên diễn đàn Quốc hội một tham luận về “Thanh niên TPHCM khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống mới”.

Bài tham luận đã khái quát tình hình đời sống và tư tưởng giới trẻ thành phố Sài Gòn trong một năm sau ngày giải phóng 30-4; nêu bật các phong trào hành động cách mạng của giới trẻ TPHCM, như chiến dịch truy quét văn hóa phẩm đồi trụy, phản động; chiến dịch xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở phường - xã; phong trào nâng cao động cơ, mục đích học tập trong trường học; phong trào tiết kiệm nguyên vật liệu, duy trì sản xuất trong thanh niên công nhân; phong trào thanh niên lao động tình nguyện, phong trào thanh niên xung phong... với nhiều con người điển hình tiên tiến đã xuất hiện qua thử thách phong trào. Bài tham luận đã được các bậc cha anh vỗ tay tán thưởng và khi bước xuống, tôi đã được bác Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và nhà thơ Chế Lan Viên ôm hôn đầy xúc động.

Quan sát, theo dõi thông tin về hoạt động Quốc hội những năm sau này, nhất là Quốc hội hiện nay, tôi thấy Quốc hội hoạt động ngày càng đi vào đúng chức năng lập pháp và nhiều đại biểu Quốc hội bây giờ có trình độ, kiến thức sâu rộng hơn khóa VI rất nhiều. Và điều khiến tôi tâm đắc, khâm phục khi thấy ngày càng xuất hiện nhiều hơn các vị đại biểu Quốc hội rất dũng cảm, thẳng thắn nêu chính kiến của mình trước những vấn đề gai góc, tế nhị, như chống tham nhũng và lãng phí công sản (như trong vụ Vinashin...). Điều đó cũng cho thấy, dân chủ trong các cơ quan dân cử ngày càng được Đảng tôn trọng, phát huy.

Tôi thiết nghĩ, cơ chế nào, tổ chức nào cũng do con người tạo ra và điều khiển. Nên những người đại biểu Quốc hội có phẩm chất và năng lực chính là linh hồn làm nên sức sống của Quốc hội, cơ quan cao nhất đại diện cho nguyện vọng, quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân Việt Nam.

Nhà báo Lê Văn Nuôi

Quốc hội khóa VI (1976-1981) - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được bầu ngày 25-4-1976, với 492 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

(Theo Văn kiện Quốc hội toàn tập)

Tin cùng chuyên mục