NAT phát hiện sớm các virus nguy hiểm trong máu

Bằng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân từ (NAT) đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công tác an toàn truyền máu. Việc sàng lọc phát hiện các virus như: HBV, HCV và HIV cho độ chính xác cao, hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus nguy hiểm trên… Đây là thông tin được đại diện Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết tại hội thảo giới thiệu ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm NAT, diễn ra ngày 26-4 tại Hà Nội.
NAT phát hiện sớm các virus nguy hiểm trong máu

(SGGPO). - Bằng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân từ (NAT) đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công tác an toàn truyền máu. Việc sàng lọc phát hiện các virus như: HBV, HCV và HIV cho độ chính xác cao, hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus nguy hiểm trên… Đây là thông tin được đại diện Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết tại hội thảo giới thiệu ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm NAT, diễn ra ngày 26-4 tại Hà Nội.

Với kỹ thuật xét nghiệm NAT, công tác bảo đảm an toàn truyền máu cho người bệnh được nâng cao

Theo đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (NAT) trong sàng lọc máu. GS.TS Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, với kỹ thuật NAT, tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu đều được sàng lọc các loại virus: HIV, HBV (viêm gan B) , HCV (viêm gan C) trong máu, cho độ chính xác rất cao, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân. Hơn nữa, so với kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh cũ thì kỹ thuật mới NAT phát hiện virus HIV trong máu sớm hơn 10 ngày, với virus HBV sớm hơn 25 ngày và với virus HCV sớm hơn 60 ngày. Đến nay, trong số gần 418.000 mẫu máu mà Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT đã phát hiện 442 mẫu máu nhiễm bệnh.

Viện trưởng Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hiện đang cung máu và các chế phẩm máu phục vụ công tác điều trị cho hơn 150 bệnh viện tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Do đó với việc áp dụng thành công kỹ thuật NAT không chỉ nâng cao chất lượng công tác an toàn truyền máu mà còn đem lại ý nghĩa xã hội rất lớn khi người bệnh kể cả ở vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng máu và các chế máu rất có chất lượng, với độ an toàn cao như ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Đáng chú ý, trong thời gian tới, kỹ thuật xét nghiệm NAT sẽ được triển khai tại Bệnh viện Truyền máu- Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu- Huyết học Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2018, kỹ thuật này sẽ được áp dụng trong tất cả các đơn vị máu hiến trên toàn quốc, nhằm đảm bảo cung ứng nguồn máu an toàn và kịp thời cho bệnh nhân.

Được biết, kỹ thuật xét nghiệm NAT là phát hiện trực tiếp DNA hoặc RNA của virus gây bệnh thông qua việc nhân bản đoạn gen đặc hiệu của virus tăng lên nhiều lần, sau đó xác định chính xác virus đã nhiễm vào trong máu hay chưa. Năm 2002, Cơ quan FDA Hoa Kỳ đã công nhận kỹ thuật NAT xét nghiệm virus HBV, HCV và HIV được sử dụng trong sàng lọc máu. Kết quả xét nghiệm sàng lọc virus HBV, HCV và HIV trong 10 năm triển khai xét nghiệm bằng phương pháp NAT tại 37 quốc gia đã phát hiện trên 3.000 trường hợp nhiễm các tác nhân gây bệnh, mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục