Sau khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Bộ GD-ĐT khẳng định chưa thể bỏ kỳ thi này ngay được. Còn theo nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia hoặc kết hợp “hai trong một”.
Không thể hay có thể?
Những năm gần đây, kết quả thi tốt nghiệp THPT của cả nước luôn chạm ngưỡng mỹ mãn với tỷ lệ 95%-98%. Nếu tổ chức một kỳ thi tốn kém công sức, tiền bạc của xã hội và tạo nhiều áp lực căng thẳng cho học sinh cuối cấp và chỉ để loại ra số nhỏ học sinh không đạt yêu cầu tối thiểu thì có nên tiếp tục?
Đó là băn khoăn, trăn trở của số đông những người làm công tác quản lý lẫn chuyên gia giáo dục. Đành rằng Bộ GD-ĐT đã hạ quyết tâm tiến dần đến cái đích của kỳ thi quốc gia “thực chất, nghiêm túc, khách quan và gọn nhẹ” nhưng trên thực tế người dạy và người học vẫn cảm thấy áp lực thi cử luôn đè nặng. Vì thế, còn duy trì kiểu đánh giá chất lượng đào tạo qua thi cử và cách ra đề chỉ nhắm vào kiến thức học vẹt như ngành giáo dục đã và đang làm thì hy vọng có kết quả sạch, đúng thực chất không dễ gì đạt được. Không thể áp dụng một kỳ thi quốc gia với 6 môn học ở bậc THPT và thời lượng làm bài các môn thi ngắn ngủi lại có thể đánh giá đúng quá trình học tập suốt 12 năm của học sinh. Tất nhiên có học thì phải có kiểm tra, đánh giá. Nhưng liệu một kỳ thi tốt nghiệp THPT phải gánh trọng trách đánh giá cả một quá trình học, tiếp thu kiến thức của học sinh có hợp lý? Chính vì thế, để kỳ thi quan trọng này không thể là “xét tốt nghiệp” và địa phương nào cũng cho ra kết quả cao chót vót nên Bộ GD-ĐT đã nỗ lực ngăn chặn, khắc phục tiêu cực bằng nhiều giải pháp, trong đó mới nhất là hạ bậc thi đua đối với địa phương nào có tỷ lệ thi đỗ năm sau cao hơn năm trước (!?). Quyết định “kỳ lạ” này cho thấy bộ chưa tin vào thực chất cũng như sự nghiêm túc trong tổ chức thi cử của các địa phương.
Từ những bất cập kéo dài trong thi cử, đánh giá chất lượng đào tạo, dư luận xã hội càng khó đặt niềm tin vào sản phẩm giáo dục của nước nhà.
Từ nhiều năm trước, khi còn làm “tư lệnh” ngành giáo dục - đào tạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng tâm đắc với việc chỉ nên tổ chức kỳ thi “hai trong một”. Lúc đó dư luận và báo chí cũng bàn thảo sôi động và hy vọng học sinh lớp 12 sẽ giảm gánh nặng của một kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc đại học, cao đẳng. Thế nhưng, chuyện cũ bây giờ lại được xới lên và câu hỏi tiếp tục được đặt ra: có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Cần có quy chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo
Thăm dò ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận được câu trả lời đồng thuận là nên bỏ kỳ thi này và đổi mới cách đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng tiên tiến. Điều này cho thấy chính những người làm công tác quản lý cũng thấy việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia quá mất sức, tạo nhiều áp lực cho người dạy lẫn người học, ảnh hưởng đến toàn xã hội nhưng kết quả lại không thể hiện đúng thực chất đào tạo và quan trọng hơn là chưa thể đo lường về kiến thức, tri thức, kỹ năng, thái độ của học sinh theo tiêu chí của UNICEF.
Trở lại vấn đề gợi ý của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, có nên tổ chức hai kỳ thi quan trọng gần nhau hay không, nhiều ý kiến cho rằng không nên và tốt nhất chỉ tổ chức một kỳ thi đại học mà thôi. Thầy Kim Vĩnh Phúc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1 TPHCM nói: “Tôi rất đồng tình với gợi ý nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm quá cao và học sinh có sức học trung bình cũng có thể đậu dễ dàng thì thi để làm gì. Tuy nhiên nếu bỏ kỳ thi này thì cần phải có cách đánh giá, sàng lọc và kiểm soát chất lượng đào tạo thật nghiêm túc trong suốt 3 năm học THPT đối với tất cả các trường, các địa phương”.
Một hiệu trưởng trường THPT khác cũng nêu quan điểm: “Tốt nhất là nên để các trường tự đánh giá kết quả đào tạo của mình, còn trình độ, năng lực của học sinh của trường sẽ được đánh giá qua kỳ thi vào đại học”. Xung quanh quan điểm mới này, nhiều chuyên gia giáo dục cũng lo lắng và sợ rằng nếu để các trường hoặc các địa phương tự đánh giá chất lượng đào tạo sẽ dẫn đến kết quả không đồng đều, thậm chí không tránh khỏi yếu tố cảm tính, thiếu công bằng. Cụ thể, trường nào làm nghiêm, siết học sinh theo chuẩn thì kết quả thực chất sẽ thấp.
Ngược lại, trường nào nhẹ tay thì kết quả đào tạo và tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi sẽ cao hơn thực chất. Tất nhiên, việc thay đổi cách đánh giá về chất lượng đào tạo trong 12 năm học cũng như quyết định có thể bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể làm ngay nhưng bộ cũng nên tính toán, cân nhắc. Nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, nếu không có sự đột phá trong phương pháp dạy và học theo hướng tích hợp từ bậc học thấp và phân hóa sâu ở bậc học cao thì không thể phân loại, đánh giá đúng sở trường, năng lực học tập của học sinh. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cần sớm nghiên cứu và đưa ra quy chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo một cách đồng bộ, khoa học nhằm tạo ra sự công bằng và kết quả giáo dục sạch như kỳ vọng của xã hội.
KHÁNH BÌNH
- Thông tin liên quan:
>> Bộ GD-ĐT: Chưa thể bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT