Nên cấp giấy phép lái xe học sinh THPT?

Thuốc “cấm” chưa đủ liều
Nên cấp giấy phép lái xe học sinh THPT?

Mấy ngày qua, các cơ quan chức năng kiên quyết chấn chỉnh tình trạng học sinh không đội nón bảo hiểm và không đủ tuổi, chưa có bằng lái điều khiển xe gắn máy phân khối lớn. Dư luận rất đồng tình với đợt ra quân cao điểm này nhưng nhiều phụ huynh khá bức xúc và kiến nghị cơ quan chức năng nên có quy định cho học sinh trung học phổ thông (lớp 10, 11 và 12) được học Luật Giao thông đường bộ trong giờ học chính khóa và được cấp giấy phép lái xe gắn máy phân khối lớn…

Hai học sinh điều khiển xe gắn máy 50 phân khối đến trường. Ảnh: Kim Ngân

Hai học sinh điều khiển xe gắn máy 50 phân khối đến trường. Ảnh: Kim Ngân

Thuốc “cấm” chưa đủ liều

Đầu năm học mới - Năm an toàn quốc gia - các trường học đều hưởng ứng rất tích cực. Nhiều trường treo băng rôn kêu gọi phụ huynh và học sinh nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các em học sinh cấp THPT vẫn chưa như mong muốn.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, băng rôn treo trước cổng trường với nội dung nhắc nhở học sinh dưới 18 tuổi không sử dụng xe phân khối lớn (hơn 50cm3) và nêu ra mức xử phạt đối với hành vi này. Tại buổi họp phụ huynh, ngoài các nội dung thông báo thời khóa biểu, kết quả, tình hình học tập của trường Bùi Thị Xuân trong năm qua, cô Hà Thị Thanh Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A14, còn yêu cầu phụ huynh lưu ý đến việc không để con em mình đi xe phân khối lớn đến trường. Nhà trường cho biết, việc xử lý học sinh chưa đủ tuổi lái xe gắn máy phân khối lớn rất nghiêm khắc.

Ngoài việc tạm giữ phương tiện, đóng tiền phạt, cảnh sát giao thông (CSGT) còn gửi thông báo đến ban giám hiệu nhà trường, điều này ảnh hưởng trực tiếp thi đua của lớp và trường. Thượng tá Lê Văn Đoàn, Phó Trưởng Công an quận 10, cho biết: “Trước ngày khai giảng, các trường đều có bản cam kết vận động phụ huynh và học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Nhiều trường không nhận giữ xe của học sinh chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe gắn máy. Các hộ dân ở lân cận cũng có bản cam kết tương tự như vậy”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, ở hầu khắp các trường THPT trên địa bàn TPHCM, việc cam kết này cũng chỉ được một thời gian. Ngay cả lực lượng CSGT vài lần ra quân rầm rộ nhưng việc cấm cản học sinh THPT đi xe gắn máy phân khối lớn gần như không thể thực hiện được.

Một số quy định xử phạt

Điều 24, mục 4, chương II, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới.

1. Phạt cảnh cáo người từ 14 - 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

2. Phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe; người điều khiển xe mô tô không mang theo giấy phép lái xe.

3. Phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

4. Phạt tiền từ 120.000 - 200.000 đồng đối với một trong các lỗi vi phạm: Người điều khiển xe mô tô không giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xóa; người điều khiển ô tô không mang theo giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Cần học Luật Giao thông đường bộ

Đứng bên cổng trường vào giờ học sinh đến trường hay tan học, điều ai cũng dễ nhận biết rất nhiều học sinh đi xe máy phân khối lớn một cách thản nhiên. Em L.T.V., nhà ở quận 1 đang học lớp 12 tại một trường THPT ở quận 3, phân trần: “Tụi em vẫn biết đi xe gắn máy là vi phạm nên phải “canh” CSGT. Nhà em, ba mẹ đều bận đi làm nên không thể đưa đón em như các bạn khác. Hơn nữa, khi đi xe, em cũng chẳng thấy ai nhắc nhở gì và hình như các anh CSGT cũng… quên bọn em rồi. Nhiều lần em đi ngang trước mặt CSGT, có thấy các anh ấy thổi phạt gì đâu!”.

Ông Lê Xuân Khánh, có con đang học lớp 12, Trường THPT Hùng Vương, quận 5, tâm sự: “Đây là năm học khá quan trọng nên vợ chồng tôi chia nhau đưa cháu đến trường. Hôm nào không đưa đón được thì cháu phải đi xe ôm. Cũng như các học sinh khác ở lớp, ngoài học ở trường, cháu còn học thêm. Cháu cũng biết lái xe gắn máy nhưng nếu để cháu tự đi thì vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đây là năm học quan trọng, là chặng đường cuối cùng quyết định cuộc đời học tập. Chúng tôi không thể lơ là. Theo tôi, nếu cơ quan chức năng xem xét việc tổ chức cấp bằng lái cho các cháu ở độ tuổi 17 sẽ giảm bớt phiền phức cho chúng tôi”.

Khá nhiều phụ huynh có cùng tâm tư như vậy. Bà Lê Thủy Mai, nhà ở quận Tân Bình bày tỏ: “Con tôi biết lái xe gắn máy từ năm học lớp 10. Theo tôi, cơ quan chức năng có thể xem xét cấp giấy phép lái xe cho các cháu vào đầu năm học lớp 12, tức là khoảng 17 tuổi. Việc học Luật giao thông đường bộ có thể đưa vào chương trình học chính khóa hay trong môn học Giáo dục công dân từ năm lớp 10, lớp 11 và đầu năm lớp 12 thì tổ chức cho các cháu thi lấy giấy phép lái xe máy phân khối lớn”.

  • Luật gia TRỊNH PHI LONG (Tổ trưởng Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí Hội Cựu chiến binh TPHCM): Khó khả thi

Tại thời điểm này, tôi rất cảm thông và chia sẻ với các bậc phụ huynh THPT trong việc đưa đón con em mình. Tôi nghĩ, với nền giáo dục như hiện nay thì ở độ tuổi 17 các cháu đã khá chững chạc để xử lý các vấn đề mà cụ thể trong đó có việc tham gia giao thông. Đương nhiên, nếu luật pháp cho phép hạ độ tuổi để các cháu được cấp bằng lái sớm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các bậc phụ huynh. Nhưng qua nghiên cứu thì việc này rất khó khả thi. Bởi lẽ, việc xác định tuổi thành niên là 18 tuổi. Và độ tuổi này không những quy định cho việc cấp bằng lái xe mà còn liên quan đến nhiều bộ luật khác trong việc chịu trách nhiệm hình sự, dân sự, khiếu nại, tố cáo… Không chỉ vậy, trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì độ tuổi này còn liên quan đến một số bộ luật khác ở nước ngoài.

  • Ông HUỲNH BÁ SƠN (Phường 4, quận 8, TPHCM): Tuổi 17 đủ chững chạc

Tôi nhớ thời đi học của mình chẳng có ai đưa đón cả. Chúng tôi tự đi bộ hay bằng nhiều phương tiện khác nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến trật tự an toàn giao thông. Bây giờ, đi ngang trường học nào cũng thấy phụ huynh sắp hàng dài dằng dặc để đón con. Thực tế, với tình hình giao thông như hiện nay cũng như quy định của pháp luật thì phụ huynh phải chấp nhận thêm phần việc đưa đón con em mình. Theo tôi không nhất thiết phải 18 tuổi mới được cấp bằng lái xe. Kinh tế phát triển, thiếu nhi các cháu đã biết chạy xe đạp và khoảng lớp 10, lớp 11 các cháu đã biết lái xe gắn máy. Vậy thì đầu lớp 12, cơ quan hữu quan có thể cấp bằng lái xe được rồi. Nhiều cháu 16 - 17 tuổi nhưng thân hình cao to, vạm vỡ rồi.

  • Ông LÂM VINH (Phụ huynh học sinh Trường THPT Ernst Thalmann, quận 1, TPHCM): Phải chấp hành thôi!

Dù rất bận rộn với công việc làm ăn nhưng vợ chồng tôi vẫn chia “thời khóa biểu” để đón cháu. Việc xử lý của cơ quan pháp luật với hành vi lái xe không có bằng lái khá căng. Theo tôi, nếu muốn con em mình ổn định, không bị ảnh hưởng kết quả học tập những năm cuối khóa thì phụ huynh không còn cách nào khác. Trong tình hình giao thông như hiện nay, nếu để cháu tự đi xe gắn máy đến trường thì mình sợ cháu va quẹt người ta, còn cho nó đi xe đạp thì sợ xe khác va quẹt nó. Nhà tôi không thuận tiện đi xe buýt. Do vậy, phải chấp hành thôi…

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục