Nên có nhiều bộ sách giáo khoa

Có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) để chọn lựa, chắc chắn sẽ tốt hơn là phải dùng một bộ sách. Có cạnh tranh và có nhiều người tham gia biên soạn chắc chắn chất lượng SGK sẽ tốt hơn, ít sai sót hơn.

Theo tôi, bước đầu nên để các Sở GĐ-ĐT chọn SGK. Mỗi sở cần có các hội đồng chuyên môn gồm tổ trưởng chuyên môn của các trường và các giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm. Những hội đồng chuyên môn này sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho sở trong việc chọn SGK.

Có nhiều người ủng hộ việc một chương trình có nhiều bộ SGK nhưng lại lo rằng trình độ giáo viên khó có thể đáp ứng yêu cầu. Lo như vậy thì giáo dục nước nhà khó tiến được, bởi đó là yêu cầu tối thiểu cần phải đạt được của các thầy, cô giáo.

Thật ra chỉ có một bộ SGK với chất lượng như hiện nay mới khó dạy và giáo viên bị buộc phải bám sát SGK. Có nhiều bộ sách, tạo cơ hội cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, vừa sử dụng tốt SGK do sở chỉ định vừa có thể tuyển chọn những ý hay trong các SGK khác nhằm nâng cao chất lượng bài giảng của mình; các tổ chuyên môn sẽ hoạt động có hiệu quả hơn và Nhà nước cũng khỏi phải bỏ ra một số tiền lớn để tập huấn cho giáo viên (các đợt tập huấn thay sách thường tốn tiền, lại quá lãng phí thời gian!).

Năm nay chỉ mới 2 bộ sách chuẩn và nâng cao mà đề thi tốt nghiệp sẽ phải có phần chung, phần nâng cao rồi phần riêng (thật khó hiểu khi Cục Khảo thí chọn cách ra đề như vậy, thế là có hai loại bằng tốt nghiệp: chuẩn và nâng cao?).

Khi có nhiều bộ SGK, càng có nhiều phần trình bày khác nhau thì việc ra đề sẽ thế nào? Thật ra, cũng không có gì đáng lo. Có nhiều bộ SGK tất nhiên sẽ có những khác biệt. Bộ GD-ĐT cần chủ đạo để thống nhất các khác biệt cơ bản, nếu có. Những khác biệt còn lại Cục Khảo thí cần lưu ý để tránh khi ra đề thi tốt nghiệp, thi đại học là được.

Một chương trình, nhiều bộ SGK không phải là sáng kiến mới, cũng không xa lạ gì với giáo viên. Điều quan trọng và khó hơn nhiều là cần đổi mới tận gốc chương trình, bởi chương trình hiện nay quá nặng về lý thuyết, lạc hậu… khiến cho học sinh học đối phó và giáo viên cũng phải dạy đối phó.

Vai trò của lực lượng giáo viên rất quan trọng nhưng thành bại của sự nghiệp giáo dục nước nhà phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT và các cấp cao hơn. Bộ bảo “2 không” chứ bao nhiêu “không” giáo viên cũng chấp hành tốt, bởi nguyên nhân chính của “không” hay “có” là do cấp trên mà ra.

Nếu tiền lương của giáo viên không quá thấp để họ có thời gian tự nghiên cứu, tham khảo tài liệu, trao đổi và học tập đồng nghiệp… thì chắc chắn giáo viên còn đáp ứng được những yêu cầu cao hơn trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Thanh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục