Nên miễn toàn bộ học phí cho HS nông thôn và HS trung học cơ sở

Nên miễn toàn bộ học phí cho HS nông thôn và HS trung học cơ sở

Được tin HĐND TPHCM gác lại tờ trình tăng học phí tại kỳ họp thứ 11 khóa VII (5-7-2007), nhiều người thở phào. Đây không phải là việc riêng của TPHCM mà có liên quan đến cả nước.

Chỉ còn một tháng nữa là HS cả nước bước vào năm học mới. Theo lộ trình, Bộ GD-ĐT sẽ công bố rộng rãi đề án học phí mới để nhân dân đóng góp ý kiến, sau đó sẽ hoàn chỉnh và trình Chính phủ trong quý 3 - 2007. Xin có mấy suy nghĩ đóng góp vào dự thảo tờ trình này.

1. Nên miễn hẳn học phí cho HS trung học cơ sở (THCS)

Nên miễn toàn bộ học phí cho HS nông thôn và HS trung học cơ sở ảnh 1

Học sinh THPT ở Mỏ Cày (Bến Tre) trên đường đến trường. Ảnh: MAI HẢI  

Theo Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII của Đảng, đến năm 2010 phải hoàn thành phổ cập THCS trong cả nước theo chuẩn quốc gia. Bài học quan trọng đã rút ra từ thực tiễn là nhờ có chính sách miễn học phí cho HS tiểu học mà nước ta đã hoàn thành phổ cập GD tiểu học và xóa mù chữ vào năm 2000. Hiện mới có 35 tỉnh, TP đạt chuẩn phổ cập GD bậc THCS, còn lại 29 tỉnh chưa hoàn thành (là những tỉnh có rất nhiều khó khăn, học sinh THCS bỏ học rất nhiều, và nhất là chất lượng GD không đạt yêu cầu). Nguyên nhân HS bỏ học cao ở THCS và THPT chủ yếu do nghèo, không có tiền đóng học phí và các khoản thu khác. Ngay cả ở một số tỉnh đã được công nhận phổ cập THCS cũng cần phải tiếp tục giữ vững chuẩn, củng cố và nâng cao chất lượng.

2. Nên miễn học phí cho HS nông thôn

Nước ta là một nước nông nghiệp nên nông dân, nông nghiệp, nông thôn có một vị trí cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lâu nay, nhờ chính sách đi học không mất tiền nên đông đảo con em nông dân được học tập và đã tạo nên một lớp trí thức mới chủ yếu xuất thân từ nông dân.

Ngày nay, đời sống của nhân dân đã được cải thiện một bước, nhưng cơ bản nước ta vẫn là một nước kém phát triển. Nông dân chiếm gần 80% dân số và vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội. Nói đến bỏ học, nói đến chất lượng GD thấp, chủ yếu là nói đến con em nông dân (bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp). Càng lên bậc học cao, tỷ lệ con em nông dân càng ít. Tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có hơn 18 triệu dân, cung cấp trên 50% sản lượng lương thực và trên 60% sản lượng hải sản của cả nước, nhưng GD lại kém nhất nước. Số HS bỏ học ở THPT và THCS đang gia tăng, có tỉnh có tới 7% - 8% tổng số HS bỏ học (toàn vùng là 4%). Tỉnh Kiên Giang có dân số gần bằng tỉnh Hải Dương mà số HS THPT chỉ bằng một nửa tỉnh Hải Dương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học vừa qua cho thấy một phần GD ở nông thôn đang gặp nhiều khó khăn. Các trường có tỷ lệ hỏng 100%, 90% đều ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu.

Số HS được đi học bậc trên THPT thuộc nhóm nghèo chỉ có 0,46%, ở nông thôn chỉ có 5,71% - trong khi ở thành thị là 22,3%. Có khoảng 7 triệu người trên 10 tuổi chưa đi học hoặc bỏ học ngay từ lớp 1, lớp 2, trong đó có 5,3 triệu hoàn toàn không biết chữ. Tỷ lệ lao động (chủ yếu là nông dân) không biết chữ là 4%. Tóm lại, miễn học phí cho HS phổ thông nông thôn, con em nông dân là có cơ sở lý luận và thực tiễn, là uống nước nhớ nguồn, là trọn nghĩa vẹn tình với quê hương.

3. Không nên tăng học phí với HS THPT, HS học nghề và trung cấp chuyên nghiệp

Đối với HS THPT công lập không nên tăng học phí; xóa bỏ các khoản đóng góp bất hợp lý, tự phát trong nhà trường. Đến năm 2010, khi chính thức bước vào phổ cập THPT thì thực hiện chính sách miễn phí cho HS THPT. Như vậy, từ năm 2010, nước ta có thể xóa bỏ hoàn toàn học phí cho GD phổ thông công lập như Cuba, Thái Lan và nhiều nước khác đã làm.

Nhà Giáo Trần Hữu Trù
(Nguyên Chuyên Viên Cao Cấp Bộ GD-ĐT)

Tin cùng chuyên mục