Quan sát những đứa trẻ lớn lên, hay nhìn vào chính sự trưởng thành của mình, hẳn chúng ta sẽ nhận ra, sự so sánh thường chẳng có ý nghĩa, thậm chí nó còn gây sự tổn thương cho một đứa trẻ, hình thành sự tự ti trong con cái vì đã thua kém những đứa trẻ khác.
“Con xem, con ăn chậm, con biếng ăn quá, nhìn em (anh/chị) kìa, ăn giỏi hơn con biết bao nhiêu, ăn như vậy mới lớn, thông minh được”, đó là câu nói thường xuyên của những bà mẹ có con nhỏ. Lớn chút nữa là so sánh trong học tập. “Con học dốt quá, bạn A., B., C... học giỏi hơn con, siêng năng hơn con, sau này các bạn sẽ thành công, còn học như con chỉ có mà đi quét rác, bán vé số...”. Thêm chút nữa thì so sánh sự thành công trong công việc, các mối quan hệ...
Tại sao không chỉ là quan sát những đứa trẻ của mình lớn lên và tự hỏi chúng có những phẩm chất đặc biệt duy nhất nào? Sự so sánh về trí thông minh, về điểm số của con, sự thành công của con ở trường học có thực sự phản ánh bản chất một đứa trẻ, sự thành đạt của chúng sau này trong xã hội? Rất nhiều ví dụ điển hình về những doanh nhân, vĩ nhân... là những đứa trẻ cá biệt khi còn ở tuổi đến trường. Lúc nhỏ, họ thậm chí học rất dốt một số môn nào đó, họ thậm chí nghịch ngợm, chọc ghẹo bạn bè, nói chuyện nhiều trong lớp và cả bị thầy cô giáo phạt, cha mẹ bị mời vô trường nói chuyện với giáo viên.
Mỗi đứa trẻ thường khác nhau, có đứa ngay từ nhỏ đã ham ăn, cho ăn uống rất dễ, nhưng có đứa lại kém ăn, thường chỉ gẩy gẩy đồ ăn, ngậm không chịu nhai; có đứa thì hoạt bát, vui vẻ, giao tiếp tốt, song cũng có đứa hướng nội, trầm ngâm, hiền lành, ít nói, nhút nhát; có đứa thích đọc sách, có đứa thích hoạt động thể chất... Việc so sánh giữa những đứa trẻ là một điều cực kỳ đáng ghét mà những ông bố, bà mẹ hay mắc phải. Trách nhiệm của cha mẹ là xây dựng lòng tự tin cho con chứ không phải là hủy diệt sự tự tin trong con. Tập từ bỏ điều này là góp phần phát hiện và hình thành nhân cách tốt đẹp của con. Hãy nghĩ về trẻ em là khởi nguồn của những phẩm chất đang chờ để bộc lộ.