Nên nhìn nhận tích cực về việc đặt tiền để tại ngoại

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có 2 điều quy định về cách thức thay thế biện pháp tạm giam. Điều 92 quy định về việc “bảo lãnh”. Điều 93 quy định về việc “đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đặt tiền (vẫn được gọi là “đặt tiền bảo lãnh”) để tại ngoại gần như chưa được thực hiện trên thực tế.

Có nhiều ý kiến tỏ ra không ủng hộ biện pháp đặt tiền để thay thế biện pháp tạm giam. Luồng ý kiến này cho rằng đây có thể xem là biện pháp thể hiện sự “phân biệt đối xử”, bởi cùng một hành vi vi phạm như nhau nhưng nếu người có tiền (hoặc tài sản) thì có thể được tại ngoại, còn ngược lại thì phải chịu tạm giam. Bên cạnh đó, việc không tạm giam có thể tạo điều kiện để người bị khởi tố, truy tố bỏ trốn, làm công tác điều tra, xét xử gặp khó khăn, hoặc tham gia tác động để làm sai lệch bản chất vụ án (nhất là với bị can, bị cáo từng là cán bộ, quan chức, người có thế lực…). Thậm chí, họ có thể gây bất lợi cho nhân chứng, nạn nhân hòng che đậy hoặc làm giảm nhẹ tính chất hành vi phạm tội của mình. Không chỉ vậy, trong một số trường hợp, người lẽ ra bị tạm giam nhưng vì có đặt tiền bảo lãnh nên họ vẫn ung dung sống bình thường, có thể gây bức xúc trong dư luận và tạo ra hình ảnh thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Cuối cùng, khoản tiền để đặt bảo lãnh thực ra không lớn: không quá 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Những ý kiến này hoàn toàn hợp lý và có cơ sở.

Tuy nhiên, trong xu hướng bảo vệ quyền con người ngày càng được chú trọng, việc giảm hình thức tạm giam thực sự nên là biện pháp cần được quan tâm mở rộng hơn. Trong đó, các cơ quan tiến hành tố tụng nên cân nhắc áp dụng biện pháp này đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nhưng bản thân bị can, bị cáo có nhân thân tốt, có nơi ở rõ ràng, có sự thành khẩn…, và nhất là những trường hợp chưa có đầy đủ chứng cứ phạm tội. Điều này không chỉ giảm tải cho các cơ sở tạm giam, tạm giữ mà còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân được tốt hơn.

Việc đặt tiền bảo lãnh cần có thêm nhiều quy định liên quan, như có biện pháp giám sát, ngăn chặn, cưỡng chế các hành vi tác động làm sai lệch bản chất vụ án của bị can, bị cáo; quy định về số tiền bị mất khi hoàn tất việc đặt tiền bảo lãnh (chẳng hạn, nếu bỏ trốn thì mất 100%, hành vi sai trái tác động đến công tác điều tra thì mất 70%, nếu bị tuyên có tội thì mất 30%, nếu vô tội thì được hoàn tiền 100%...); nâng mức đặt tiền cao hơn quy định của Thông tư liên tịch 17/2003; chỉ nên áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, không nên áp dụng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; quy định về trách nhiệm của người đặt tiền bảo lãnh nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn; các biện pháp nhằm công khai, minh bạch hành vi đặt tiền bảo lãnh để tránh dư luận không tốt hoặc ngầm hiểu đó là tiền “lót tay”…

Việc đặt tiền bảo lãnh là quyền nhưng phải kèm theo những nghĩa vụ nghiêm ngặt chứ không phải đặt tiền bảo lãnh để tác động vào quá trình tố tụng. Vì vậy, trên thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng cần khách quan, minh bạch và công tâm trong thực hiện.

TRỊNH MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục