Thi tuyển chỉ là một trong rất nhiều khâu của cả quá trình đào tạo đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Tuy nhiên, nó không thể tách rời vì có học thì phải có thi. Thế nhưng tại sao vấn đề thi tuyển lại luôn là vấn đề nóng đối với nước ta như vậy?
Trước hết, thi tuyển liên quan trực tiếp đến ngót nghét một triệu đối tượng tham gia là học sinh. Kéo theo đó là cha mẹ, người thân phải mất ăn mất ngủ theo dõi. Cứ nhìn vào mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 sẽ thấy rất rõ, các gia đình, người thân của sĩ tử canh xem điểm thi THPT quốc gia, kết quả điểm trúng tuyển tạm thời, canh rút hồ sơ, đến phút cuối cùng cũng còn hồi hộp… Vì sao lại phải vất vả như thế? Chính bản thân vị thủ lĩnh ngành giáo dục đã thừa nhận thiếu sót và không lường hết được. Tình trạng rối ren trên có thể đã không xảy ra, nếu như các nhà quản lý giáo dục ở cấp cao nhất chịu lắng nghe góp ý của các chuyên gia làm tuyển sinh.
Nhưng điều ai cũng thấy rõ là kỳ thi THPT quốc gia 2015 “hai trong một” với mục đích để các Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ được dư luận đồng tình khi giảm bớt áp lực thi cử, tiết kiệm rất nhiều kinh phí, tiền của cho xã hội. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2014-2015 khối ĐH-CĐ, hàng trăm ý kiến đồng tình nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2016 và nên “nhặt sạn” ở một vài khâu. Cụ thể, ở khâu xét tuyển, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT nhả dữ liệu về cho các trường, quy chế cần rõ ràng hơn… Tuy có phức tạp, cực khổ nhưng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ ở nhiều trường đã được như mong đợi. Nhiều trường ĐH ngoài công lập tuyển đủ chỉ tiêu như Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Văn Lang, Hoa Sen, Duy Tân… Như vậy, vấn đề trường A, trường B tuyển không đủ chỉ tiêu rồi quay sang đổ lỗi rằng Bộ GD-ĐT ôm đồm việc thi cử khiến các trường tuyển sinh không được là điều ít ai có thể đồng tình. Đã vậy, có một số trường tuyển sinh không được lại cho rằng nên tách ra làm 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.
Trước hết, có thể nói hiện nay Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện tối đa để các trường tự chủ trong tuyển sinh ĐH-CĐ. Minh chứng là cơ sở đào tạo nào muốn tổ chức thi tuyển sinh riêng thì bộ cũng sẵn sàng cho phép (ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện trong năm 2015). Trường nào muốn xét tuyển ĐH-CĐ bằng điểm học bạ 3 năm THPT thì cứ đăng ký, trường nào muốn xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia cũng đều được. Việc tuyển sinh được hay không được là điều mà các trường phải tự “soi” lại mình hơn là đi đổ thừa vì lý do này, lý do khác. Tại sao có trường học phí đến vài chục triệu đồng/năm vẫn thu hút được người học, trong khi có trường học phí chỉ mươi mười lăm triệu đồng/năm mà người học vẫn quay lưng. Một vấn đề mà chính các trường tuyển sinh không được phải tự đặt câu hỏi đó là tại sao thí sinh không chọn trường mình, phải chăng là do chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất tồi tàn, đội ngũ giảng dạy yếu kém, người học ra trường không xin được việc làm…
Rõ ràng, việc đổi mới thi cử là điều tất yếu và cần phải hoàn thiện. Song điều quan trọng nhất vẫn là cần sự ổn định vì liên quan đến cả triệu thí sinh và rộng hơn là cả xã hội. Do đó, việc một vài ý kiến, một vài tổ chức liên tục muốn tách, nhập kỳ thi chỉ vì không tuyển sinh được là điều không thể chấp nhận.
THANH HÙNG