Nét ưu việt trong bức tranh kinh tế

Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng như Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM đặt ra, nhưng trong mối tương quan chung của cả nước, kinh tế TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng bình quân bằng 1,66 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước, là ưu điểm nổi bật của TPHCM giai đoạn 2011-2015.
Nét ưu việt trong bức tranh kinh tế

Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng như Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM đặt ra, nhưng trong mối tương quan chung của cả nước, kinh tế TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng bình quân bằng 1,66 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước, là ưu điểm nổi bật của TPHCM giai đoạn 2011-2015.

Bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu tại cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT). Ảnh: Cao Thăng

Thành phố tiên phong

Theo nhận định của UBND TPHCM, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 trong bối cảnh vừa có thuận lợi, thời cơ và có khó khăn, thách thức, đặc biệt cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế giai đoạn này được đánh giá là trầm trọng và kéo dài trên toàn cầu, đồng thời tình hình chính trị trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này đã tác động bất lợi đến kinh tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Trước tình hình đó, TPHCM đã quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của cấp trên và vận dụng sáng tạo cụ thể vào điều kiện thực tiễn của thành phố, đã lãnh đạo, chỉ đạo nỗ lực phấn đấu trên nhiều mặt. TPHCM trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới nhằm ổn định cung - cầu và giá cả hàng hóa. Điển hình như Chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu đã tạo hiệu ứng lan tỏa, chất lượng hàng hóa đảm bảo và giá cả ổn định, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội. TPHCM cũng tiên phong trong việc khơi thông nguồn vốn, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho DN tiếp cận tốt các gói tín dụng ưu đãi với hơn 5.200 DN đã được vay vốn; Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố để phát triển hạ tầng thương mại, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông… Từ các chương trình mở đường, đến nay TPHCM đã tập hợp, xây dựng được một đội ngũ DN mạnh, có đủ sức cung ứng hàng hóa với sản lượng lớn cho thị trường với giá cả ổn định.

Báo cáo mới nhất về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách 5 năm (2011-2015) của UBND TPHCM cho thấy, GDP của thành phố ước tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với cả nước (ước tăng 5,78%). Trong đó: Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 11,12%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,8%/năm. GDP bình quân đầu người dự kiến khoảng 5.538USD/năm (vượt kế hoạch đề ra là 4.800USD/năm). Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng cao thông qua chỉ số ICOR ngày càng giảm, bình quân giai đoạn 2011-2015 ước đạt 3,56 ; chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) ngày càng tăng, bình quân giai đoạn 2011-2015 ước đạt 33,1%, cao gần gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010 (17,4%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hàng năm, 5 năm ước đạt 1,19 triệu tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010.

Thành quả từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (năm 2015 ước đạt 59,8%), cao hơn giai đoạn trước (2005: 50,5%; 2010: 57,9%); khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2015 ước đạt 39,3%, thấp hơn giai đoạn trước (2005: 48%; 2010: 41%); khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2015 chiếm 1%, thấp hơn giai đoạn trước (2005: 1,5%; 2010: 1,1%).

Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn tiếp tục được mở rộng. Sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao giai đoạn 2011-2015, tập trung ở các ngành có thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng lớn như dệt may (ước tăng 7,9%/năm), da giày (ước tăng 8,2%/năm) và thị trường trong nước tiêu thụ tốt như ngành điện tử (ước tăng 14,3%/năm), chế biến lương thực, thực phẩm (ước tăng 11%/năm)..., đã góp phần đáng kể vào mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp. Điều này cho thấy công tác phát triển thị trường cả trong và ngoài nước rất quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất.

Thành phố đã tập trung thực hiện đạt kết quả bước đầu Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm) với nhiều giải pháp như: Xây dựng chương trình phát triển từng ngành; ưu tiên thu hút các dự án thuộc các ngành trên vào các khu công nghiệp, khu chế xuất; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ thông qua chương trình kích cầu… Nhờ vậy, tỷ trọng giá trị sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng yếu ngày càng tăng, chiếm khoảng 60% (giai đoạn 2006-2010 là 57%). Trong đó: Ngành cơ khí chế tạo chiếm 20,4%, điện tử - công nghệ thông tin chiếm 4,1%, hóa chất - cao su - nhựa chiếm 18,6% và chế biến tinh lương thực - thực phẩm chiếm 16,9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố.

Là thành phố đi đầu về thương mại - dịch vụ, trong giai đoạn 2011-2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.885.212 tỷ đồng, tăng bình quân 14,4%/năm (theo giá thực tế). Hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ rộng khắp theo hướng văn minh, hiện đại là nét ưu việt trong bức tranh kinh tế thành phố, đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa, góp phần kích thích sản xuất; quy mô thị trường gấp 2,38 lần so với giai đoạn 2006-2010. Trong đó, lĩnh vực thương nghiệp chiếm tỷ trọng 80,5%, tăng bình quân 16,1%/năm. Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 8,1%/năm. Doanh thu thương mại - dịch vụ vẫn tiếp tục tăng khá trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhờ đó thị trường trong nước giữ được vai trò “điểm tựa” duy trì và phục hồi sản xuất, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế và kiểm soát tốt nhờ TPHCM triển khai đồng bộ các biện pháp bình ổn thị trường và thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ đó, CPI của thành phố trong các năm luôn tăng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước: năm 2011 tăng 15,86%, năm 2012 tăng 4,07%, năm 2013 tăng 5,2%, năm 2014 tăng 1,65%, năm 2015 ước tăng dưới 5%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước đạt 149,45 tỷ USD, tăng bình quân 5,86%/năm. TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 32 tỷ USD/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; giảm tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên, nông sản thô.

Tiền đề hoạch định chiến lược phát triển cho TPHCM

Nhìn nhận về kết quả đạt được, theo UBND TPHCM, đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành, nhưng vượt lên tất cả là sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền thành phố; sự chia sẻ, chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân, sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của các thành phần kinh tế, các DN, doanh nhân. Kinh tế TPHCM giai đoạn 2011-2015 dù chưa đạt được những con số cao nhất, nhưng bằng nhiều cách làm tiên phong, ấn tượng đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước… Đây là tiền đề để thành phố hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2016-2020.

THÚY HẢI

________________________

Những con số ấn tượng

1. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo

TPHCM hiện có tổng số 1.921 trường học các cấp với trên 1,5 triệu học sinh. Chất lượng giáo dục không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trong 5 năm qua, ngân sách TPHCM đầu tư cho hoạt động giáo dục đều tăng mỗi năm và đạt tỷ lệ hàng năm trên 26%.

- Xây mới gần 9.000 phòng học, mỗi năm đưa vào sử dụng 1.500 phòng học (chưa tính khối ngoài công lập).

- Mở rộng xây dựng trường chuẩn quốc gia; đến nay ở các bậc học đã có 163 trường đạt chuẩn quốc gia.

- Có trên 700 học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế, trong đó quốc tế là 19 giải.

- Triển khai đề án “Tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông” và đã có 84% số trường dạy tiếng Anh với 76% học sinh được học ngoại ngữ. Mặt bằng trình độ tiếng Anh của học sinh TPHCM cao nhất cả nước, trong đó tỷ lệ học sinh đạt trình độ chuẩn quốc tế về tiếng Anh ngày càng tăng.

- Mở rộng ứng dụng tin học vào đổi mới giảng dạy và trình độ tin học theo chuẩn của học sinh được nâng cao.

- TPHCM đầu tư mở rộng hệ thống trường chuyên, trường có lớp chuyên và xây dựng 3 trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế; triển khai thí điểm dạy chương trình toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh.

- Là địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

- Dẫn đầu cả nước về xây dựng mạng lưới tư vấn học đường với đội ngũ giáo viên tâm lý chuyên trách.

- 90% trường học các cấp có chi bộ và tỷ lệ đảng viên đạt 20%.

2. Lĩnh vực y tế

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5% (từ 5,3% năm 2010 xuống 4,2% năm 2014).

- Tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân: từ 41giường/vạn dân năm 2010 lên 43 giường/vạn dân năm 2014.

- Tổng số lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ước đạt 30 triệu lượt /năm; số bệnh nhân điều trị nội trú đạt bình quân 1,3 triệu lượt/năm. Tính đến tháng 6-2015, toàn thành phố có gần 5,5 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 69% dân số thành phố.

- Đến năm 2014, trên địa bàn thành phố có 318 trạm y tế phường, xã; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 100% (91,3% trạm y tế có bác sĩ cơ hữu).

- Hiện thành phố đã có 38 bệnh viện ngoài công lập đang hoạt động, trong đó có 19 bệnh viện đa khoa (3 bệnh viện có 100% vốn nước ngoài) và 19 bệnh viện chuyên khoa (1 bệnh viện có 100% vốn nước ngoài). Tổng số giường bệnh của các bệnh viện ngoài công lập hiện nay là 3.714 giường.

- Toàn thành phố có 25 công ty sản xuất thuốc, 1.033 công ty phân phối đạt chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP) và 5.404 cơ sở bán lẻ thuốc đạt chuẩn “Thực hành tốt bán lẻ thuốc” (GPP).

3. Lĩnh vực khoa học - công nghệ

- Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phát triển thành công viên phần mềm lớn nhất trong 8 công viên phần mềm của cả nước. Hơn 10.000 sinh viên đang học tập, nghiên cứu phát triển nghề nghiệp; 6.371 chuyên viên, kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 1.000 người lao động đang làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ khác trong nội khu. Tổng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tại QTSC đạt hơn 8.500 tỷ đồng.

- Khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) với gần 330 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap trên tổng diện tích canh tác là hơn 145ha. Đến nay, AHTP đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn 190 tỷ đồng. Theo định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ngoài khu hiện hữu, AHTP sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm gần 400ha để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

- Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đến nay đã thu hút 77 dự án đầu tư với hơn 4,4 tỷ USD. Đến năm 2014, đạt doanh số 3,25 tỷ USD. SHTP đã thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ lớn như Intel, Nidec, Sonion, Sanofi và mới đây là Samsung đầu tư sản xuất. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của khu đạt khoảng 80%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố là 12%. Giai đoạn 2008-2010, SHTP đã đầu tư 12 triệu USD xây dựng các phòng thí nghiệm vi mạch - bán dẫn, vật liệu nano và sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng trong năm 2015, phục vụ chương trình phát triển vi mạch của thành phố.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục