Dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia
(SGGP).- Chiều 25-7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra tiến độ Dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia trên tuyến quốc lộ (QL) 1A qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.743 tỷ đồng theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) được khởi công xây dựng từ tháng 5-2013, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Đây là dự án hầm đường bộ cuối cùng trên QL1A khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý cũng như kết nối phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền Trung. Tại điểm thi công hầm đường bộ Phú Gia, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho biết, chính quyền địa phương đã hoàn tất công tác kiểm đếm, chỉ chờ chủ đầu tư cam kết giải ngân vốn chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình triển khai xây dựng hầm đường bộ Phú Gia. Hiện có 95 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 17 hộ phải di dời tái định cư. Tuy nhiên, từ khi khởi công dự án cho đến nay, do nhiều lần thay đổi chủ đầu tư nên chính quyền địa phương chưa có kinh phí chi trả, thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho dự án. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc nhanh chóng gửi bản phê duyệt kinh phí để nhà đầu tư trả tiền cho huyện, để huyện trả cho dân, đảm bảo mặt bằng cho dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Việc chậm chạp, vướng mắc này là do nhà đầu tư và chính quyền địa phương đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau”. Riêng chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT bị Bộ trưởng Đinh La Thăng nói thẳng: “Nếu không có tiền thì phải giải tán nhà đầu tư. Việc này tôi nói nhiều lần lắm rồi. Đã làm nhà đầu tư phải lo đủ tiền... Công trình khởi công bao nhiêu lâu, giờ mới làm được một đoạn thế này. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư cần phối hợp giải quyết các vướng mắc để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ dự án”.
° Chiều 25-7, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị giao ban sản xuất quý 2-2014 Dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận xét nhiều nhà thầu chưa chủ động trong khâu vật liệu. Nhiều nhà thầu huy động vật liệu rất yếu, nên dự án đang chậm tiến độ là điều tất yếu. Công tác đảm bảo an toàn giao thông của các nhà thầu còn thể hiện nhiều bất cập, cung đường hiện rất khó đi, cách thức bảo dưỡng, bảo trì đường còn rất rời rạc, chỉ “che mắt người dân”. Thứ trưởng phê bình Công ty Quản lý đường bộ Đắk Lắk trong việc triển khai bảo trì đường bộ trên địa bàn; các sở GTVT của các tỉnh Tây Nguyên cần phải chủ động giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Riêng với tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT sẽ buộc phải dừng dự án nếu giải phóng mặt bằng quá chậm. Thứ trưởng cũng yêu cầu các nhà thầu BOT là Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức và Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải đảm bảo an toàn giao thông khi thi công. Đặc biệt, 2 dự án BOT đang thi công rất chậm, cần phải tập trung lực lượng, nếu nhà thầu nào yếu kém, nhà đầu tư cần phải cắt hợp đồng tìm nhà thầu đủ năng lực thay thế, để bảo đảm tiến độ công trình.
VĂN THẮNG - ĐỨC TRUNG
Cấm 2 nhà thầu tư vấn giám sát ẩu
Bộ GTVT vừa có quyết định cấm 2 đơn vị là Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng công trình 747 và Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 10 - Xí nghiệp Tư vấn thiết kế tham gia đấu thầu về tư vấn giám sát các dự án trong ngành GTVT trong vòng 18 tháng. Đây là 2 đơn vị thực hiện tư vấn giám sát tại dự án đường nối thị xã Vị Thanh - thành phố Cần Thơ, đã bị Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có nhiều vi phạm trong giám sát chất lượng, giám sát tiến độ của dự án và thực hiện hợp đồng không theo quy định. Do đó, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, có tới 3/8 gói thầu xây lắp chính của dự án này đã bị hư hỏng rất nặng, mặt đường bị rạn nứt, bong tróc... Đơn vị tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm lớn do không phát hiện những khiếm khuyết, sai sót trong quá trình thi công.
BÍCH QUYÊN