Cần tiền gấp để buôn bán, sản xuất, giải quyết chuyện gia đình… không ít người đã dính bẫy những trùm tín dụng đen chuyên cho vay nặng lãi. Họ phải còng lưng gánh cả núi nợ, khi món nợ không thể trả, họ bị chủ nợ hành hung, dọa giết... Trường hợp ông Kiệt trong bài viết “Chủ nợ dùng “luật rừng” cưỡng chế con nợ - Công an cần vào cuộc”, đăng trên Báo SGGP số ra ngày 12-5 là một trường hợp cụ thể. Vấn nạn này đang diễn ra công khai tại TPHCM khiến dư luận đặc biệt lo ngại!
- “Dính bẫy”
Theo lời kể của một người trong cuộc, để nhập lô hàng (khoảng 50 xe Nouvo) về bán khi loại xe này đang “nóng”, tháng 6-2007, ông P.Q.H. (chủ cửa hàng xe máy) ở phường Bình Trưng Tây, quận 2, gom vốn, thế chấp giấy tờ nhà vay ngân hàng 200 triệu đồng (hạn trả 1 năm). Tuy nhiên sau thời gian ngắn, xe Nouvo hết mốt, hạ nhiệt, kinh doanh thua lỗ, ông H. lâm cảnh nợ nần.
Tháng 5-2008, ông chấp nhận vay nóng của bà Đ. 400 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng và tiền “dịch vụ” cho người vay giùm (bà Đ.) 10% trên tổng số tiền vay. Việc vay nợ không có hợp đồng, không rõ hạn trả.
Trong số 400 triệu đồng, bà Đ. chỉ đưa cho ông H. 200 triệu đồng, phần còn lại bà Đ. buộc ông H. lên ngân hàng thanh toán nợ, đem giấy tờ nhà cùng bà đến phòng công chứng làm hợp đồng mua bán nhà với giá 1,2 tỷ đồng. Tháng 9-2008, bà Đ. yêu cầu ông H. giao nhà, hạn chót đầu tháng 5-2009. Bà Đ. hăm dọa đến hạn không giao nhà thì đừng trách bà nặng tay, lúc này ông H. mới biết mình “dính bẫy”.
Đến cuối tháng 4-2009, khi ông H. chưa thể trả được nợ, bà Đ. tăng lãi suất lên 8%/tháng. Hiện nay, mỗi tháng ông H. phải trả cho bà 32 triệu đồng tiền lãi; từ khi vay đến nay, ông đã phải trả lãi 624 triệu đồng (12 tháng lãi suất 5% + 12 tháng lãi suất 8%). Tháng nào ông chưa kịp lo tiền trả lãi, bà Đ. thuê giang hồ đến nhà hăm dọa, đòi cắt tai vợ con ông.
Trường hợp chị L.T.N., ở phường Cát Lái, quận 2, càng bi thảm hơn. Nhà nghèo, chồng lái xe tải thuê. Đầu năm 2009, anh lái xe không may cán chết người. Để có tiền bồi thường, chị N. vay nóng 50 triệu đồng của bà T.T.L., lãi suất 3%/ tháng, vay không thời hạn, hình thức vay lãi tức ghép (lãi không trả mỗi tháng mà cộng vào số tiền gốc, cứ thế tính lãi tiếp). Lãi đẻ lãi, đến tháng 2-2010, chị N. không thể trả được nợ, bà L. buộc chị N. bán nền đất và ngôi nhà xây tạm trên đó, với giá 500 triệu đồng. “Bán nhà bán đất rồi ở đâu, mà nếu không bán thì người của bà L. cứ đến đập phá, hăm dọa giết. Tôi muốn chết quá…” – chị N. nói trong uất nghẹn.
Theo ông K., người trước đây chuyên cho vay nặng lãi, các trùm cho vay có vô vàn chiêu lừa để cài “dính bẫy” những người lâm vào tình thế khó khăn. Phổ biến nhất hiện nay là hai hình thức: Thứ nhất, cho vay có thời hạn (5 - 10 ngày hoặc nửa tháng, 1 tháng, nửa năm…), sau đó ép người vay làm hợp đồng mua bán tài sản, đồng thời tăng lãi suất. Đến một lúc nào đó, con nợ không thể trả nợ thì ép buộc họ bán tài sản. Thứ hai, cho vay theo kiểu lãi tức ghép (kép) với mức lãi suất cao, sau đó tùy trường hợp để “ra chiêu” tiếp.
- Cách nào chặn “bẫy”?
Khi “lọt” vào vòng xoáy vay nặng lãi, con nợ chỉ biết làm theo sự áp đặt của chủ nợ. Ở đâu, thời điểm nào họ cũng có thể bị kẻ cho vay nặng lãi xiết nợ, hành hung, khủng bố tinh thần, cuối cùng phải “bỏ của chạy lấy người”. Khi chúng tôi đặt vấn đề về biện pháp ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi hiện nay, một số cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cho rằng, các giao dịch dân sự không thuộc quyền quản lý của họ.
Những kẻ cho vay lãi cao thường hoạt động khá bài bản, cho vay nhưng hình thức là hợp đồng mua bán, có công chứng đàng hoàng nên khó thể bắt bẻ. Theo Luật Hình sự, sẽ bị kết tội cho vay nặng lãi khi cho vay lấy lãi gấp 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định… Vì vậy, bọn cho vay nặng lãi luôn lách bằng cách hạ lãi suất cho vay dưới ngưỡng bị kết tội. Thực tế, lãi suất cao gấp 5-7 lần đã làm người vay khốn đốn, nói gì đến cả chục lần, nhưng luật là vậy! Do đó, khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, chính quyền địa phương chỉ có thể giải quyết hòa giải. Trường hợp có dấu hiệu hình sự, mới có biện pháp xử lý.
Để không trở thành con mồi của nạn tín dụng đen, hơn ai hết, người dân phải biết bảo vệ mình, tăng cường kiến thức pháp luật, cảnh giác trước những lời đường mật của những kẻ cho vay nặng lãi. Bởi, muốn đưa nạn nhân vào tròng, họ sẽ chỉ ra hàng loạt cái lợi, khi “con mồi” đã cắn câu, họ mới bắt đầu ra tay. Bên cạnh đó, để góp phần ngăn chặn nạn tín dụng đen - cho vay nặng lãi trên địa bàn, chính quyền địa phương cần quan tâm cảnh báo người dân khi phát hiện những giao dịch cho vay nặng lãi .
TUẤN VŨ