LTS: Nhân sự kiện Thanh tra Chính phủ sẽ trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng để Chính phủ xem xét trình Quốc hội vào tháng 10-2012, trong số báo ngày 13-7, Trang Nhịp cầu Bạn đọc đã đăng 2 ý kiến của bạn đọc về vấn đề đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng. Báo SGGP đã tiếp nhận thêm các ý kiến của bạn đọc kiến nghị về vấn đề này.
Khắc phục bằng được vấn đề “một bộ phận”
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 5 lần nhắc đến cụm từ “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nguyên nhân suy thoái của một bộ phận không nhỏ này là do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận; cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu. Có thể thấy các biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ - công chức (CBCC) đang ở mức độ nguy hiểm, trầm trọng, bởi không chỉ dừng lại ở vấn đề phẩm chất, đạo đức, tư cách hay các biểu hiện mang tính cá nhân mà đã đi đến vấn đề chính trị, lý tưởng. Một yêu cầu rất cần thiết là phải định lượng “một bộ phận” đó là bao nhiêu. Bởi có xác định rõ có bao nhiêu CBCC thoái hóa, tiêu cực và số đó là ai, mới có biện pháp đấu tranh phòng ngừa, loại trừ. Dĩ nhiên, việc xác định này không dễ dàng và cũng không thể máy móc, tùy tiện mà phải thấu tình đạt lý.
Trong “một bộ phận” đó, vấn đề được chú ý nhiều là có những CBCC là lãnh đạo, quản lý, có chức, có quyền, kể cả cán bộ cấp cao. Lẽ ra, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu bởi hình ảnh của họ có tác động đến rất nhiều người khác, hành vi của họ có ảnh hưởng đến rất nhiều người và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Yêu cầu chấn chỉnh lại càng trở nên cấp bách và quyết liệt hơn bao giờ hết bởi không chỉ hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho Đảng, cho đất nước mà còn có tác động thuyết phục, động viên, tạo niềm tin, thậm chí răn đe CBCC khác.
Từ “một bộ phận” đến “một bộ phận không nhỏ” tức là có sự gia tăng về số lượng, vừa thể hiện mức độ nguy hiểm của sự suy thoái, cho thấy các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao. Như vậy, càng phải phòng chống tham nhũng quyết liệt, triệt để hơn nữa; các biện pháp đấu tranh phải thực tế và mạnh mẽ; cách thức tiến hành phải đồng bộ và dài hơi và quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng phải chặt chẽ, nghiêm minh hơn nữa.
VÂN TÂM (7/26 Lý Tế Xuyên, Thủ Đức, TPHCM)
Kéo giảm sự bất bình đẳng trong xã hội
Thực tế xã hội ta còn có sự bất bình đẳng phi lý, không do sự phân tầng tự nhiên hay tất yếu. Một số người có địa vị cao hơn hoặc thu nhập cao hơn những người khác không do năng lực, nguồn gốc xuất thân, địa bàn cư trú, thể chất hay trình độ mà do những yếu tố khác như chiếm đoạt tài sản của người khác, chiếm đoạt của công, tham ô, lợi dụng quyền hạn, địa vị để trục lợi... Đối với bất kỳ xã hội nào, thời đại nào, sự phân tầng do những hành vi đó đều lệch chuẩn, tức là trái với các chuẩn mực giá trị đạo đức, pháp luật, phong tục...
Hiện nay ở nước ta, hiện tượng bất bình đẳng phi lý còn thể hiện ở chỗ một số người lợi dụng vị trí công tác, các mối quan hệ thân thiết nào đó để có được những thông tin “độc” hoặc có thể nhờ vả một số việc mà người khác không thể có được và kiếm lợi từ điều đó. Chẳng hạn, một người nhờ quen biết với lãnh đạo mà có được thông tin về quy hoạch và từ đó đầu tư bất động sản, thu lợi nhuận cao mà người khác không thể làm được. Hay một người nhờ quen biết với cán bộ có chức trách mà tranh thủ giải quyết hồ sơ sớm hơn người khác, từ đó đứng ra làm “cò” để ăn tiền người có nhu cầu.
Để xã hội phát triển lành mạnh và bền vững, bên cạnh việc quan tâm nhiều hơn đến các chính sách xã hội, điều quan trọng là phải từng bước giảm sự phân tầng, đặc biệt là với các hành vi tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức quyền để trục lợi... Pháp luật phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và trấn áp. Cơ chế quản lý nhà nước cũng phải khắc phục được những sơ hở khiến CBCC lợi dụng chức quyền để trục lợi. Cùng với việc xử lý pháp luật đối với hành vi tham nhũng, cũng cần quy định chặt chẽ việc ngăn chặn và xử lý hành vi hối mại quyền thế, tạo niềm tin trong nhân dân để động viên sức dân cùng thực hiện các chủ trương, chính sách phục vụ quốc kế, dân sinh.
NGUYỄN MINH HẢI (234 Võ Thị Sáu, TPHCM)