Sau kỳ nghỉ hè, học sinh các trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông đều đã trở lại trường, chuẩn bị bước vào năm học mới. Bên cạnh niềm vui, không ít phụ huynh học sinh (PHHS) đang lo lắng, chạy vạy “toát mồ hôi” vì những khoản chi phí mua sắm phương tiện, đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con và nhiều khoản thu đầu năm học. Báo SGGP đã tiếp nhận nhiều ý kiến của bạn đọc liên quan đến vấn đề này.
Có thực là những khoản đóng góp tự nguyện?
Mặc dù ngành GD-ĐT từ cấp bộ đến cấp sở, phòng có nhiều văn bản quy định chống tình trạng lạm thu trong nhà trường, song thực tế vẫn xuất hiện các khoản thu đủ kiểu vào đầu năm học. Với các khoản thu theo quy định của Nhà nước thì không nói làm gì, bởi mang tính pháp lý và số tiền cũng không lớn. Tuy nhiên, với các khoản thu núp dưới danh nghĩa có sự đồng thuận của PHHS thì chẳng trường nào giống trường nào. Có những khoản thu mang tính “tự nguyện” mà PHHS không thể từ chối nộp, như quỹ hội PHHS, quỹ khen thưởng, quỹ khuyến học, quỹ vệ sinh, quỹ để đầu tư trang bị thêm cho lớp học hay phục vụ cho việc dạy tin học và ngoại ngữ... Rồi thêm các khoản thu mà nhà trường “mua giúp” cho PHHS như tiền mua đồng phục, mua bảng tên phù hiệu, tiền mua giấy kiểm tra… Mặc dù nhà trường “mua giúp” với số lượng lớn, nhưng giá vẫn cao hơn so với mặt bằng giá thị trường. Biết vậy nhưng PHHS cũng đành nộp cho nhà trường “mua giúp”...
Nhiều khoản mang tiếng là “tự nguyện” hay “mua giúp” cho PHHS nhưng PHHS phải đóng mà không hề được trao đổi, thỏa thuận trước, cùng lắm thì có chữ ký của vị đại diện hội PHHS của trường ký vào đó, xem như đó là ý kiến chung của toàn bộ PHHS. Đặc biệt đối với những trường trọng điểm, trường ở khu vực thành thị, khi học sinh vừa bước vào lớp đầu cấp là bị thu ngay toàn bộ các khoản tiền, rồi mới được phân lớp nhập học. Việc có quá nhiều khoản thu và dồn nộp vào cùng một thời điểm đầu năm học đã gây nên những căng thẳng cho PHHS. Không lẽ nạn lạm thu trong nhà trường cứ tái diễn mỗi mùa tựu trường và ngành GD-ĐT không có giải pháp hữu hiệu nào để tháo gỡ?
VĂN THY HOÀNG (Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam)
Bất ổn trường công lập chất lượng cao
Mặc dù Hiến pháp và Luật Giáo dục không quy định, nhưng hiện nay, một số địa phương đã chính thức thực hiện mô hình trường công lập chất lượng cao. Cụ thể, TPHCM hiện có 3 trường THPT chất lượng cao; Hà Nội thí điểm 18 trường chất lượng cao. Vậy trường chất lượng cao giống và khác với trường công lập chất lượng thường như thế nào? Giống nhau trước hết ở chỗ đều là trường công (cơ sở vật chất là của Nhà nước, tức của dân), kinh phí Nhà nước cấp cho để hoạt động đều có định mức như nhau (nghĩa là đều xài tiền đóng thuế của dân), chương trình học và sách giáo khoa đều như nhau (kể cả trình độ nghiệp vụ của giáo viên cũng vậy). Còn điểm mấu chốt khác nhau là ở chỗ học phí của trường chất lượng cao nhiều gấp từ vài chục đến cả trăm lần học phí ở trường chất lượng thường.
Cụ thể, mức học phí dự kiến áp dụng trong năm học 2013 - 2014 ở trường chất lượng cao tại Hà Nội (từ mầm non đến THPT) lên đến 2,9 - 3 triệu đồng/em/tháng. Từ mức học phí “khủng” này (so với lương công nhân, viên chức), các trường mới có điều kiện mua sắm, trang bị thêm một số phương tiện, đồ dùng dạy học, kể cả sĩ số học sinh “vừa phải” cho mỗi lớp, để rồi trên cơ sở đó tự phong là trường chất lượng cao, thật không chính danh chút nào!
Mặt khác, cách làm của trường công lập chất lượng cao đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong giáo dục đã được nêu rõ trong Luật Giáo dục hiện hành (Điều 10 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng về cơ hội học tập”, “Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục”…). Vậy xin hỏi: Căn cứ vào đâu (văn bản pháp luật nào) để phân chia trường công lập thành loại hình trường chất lượng cao với trường chất lượng thường? Cơ sở nào để khẳng định đó là những trường chất lượng cao? Có phải thu học phí cao sẽ có ngay trường chất lượng cao? Một điều tất nhiên nữa là, chỉ có con em nhà giàu mới có khả năng đóng học phí “khủng” để học trường chất lượng cao, vậy con em lao động nghèo chỉ có thể học trường chất lượng thường hay sao?
Về quan điểm “người giàu có quyền được hưởng thụ cao hơn người nghèo, kể cả hưởng thụ giáo dục” tôi không phản đối; tuy nhiên việc này hãy để cho tư nhân (các trường tư thục) làm, như các nước có nền kinh tế thị trường (đầy đủ) đã làm lâu nay, rồi để cho người dân tự lựa chọn. Các trường công lập của Nhà nước phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong giáo dục như luật định và theo thông lệ quốc tế.
PHAN TRỌNG HIỀN (Bình Thạnh, TPHCM)