Khi tôi quyết định tự đi xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhiều người đã khuyên thuê dịch vụ làm cho khỏe, chứ tự làm khó khăn lắm, sẽ bị cơ quan cấp phép bắt bẻ đủ điều, chạy đi chạy lại nhiều lần rất vất vả. Tất nhiên nếu thuê dịch vụ làm sẽ phải tốn tiền (mà theo giải thích của họ là tiền công và cả tiền lo lót cán bộ quản lý đô thị quận).
Quả thực khi tự đi xin giấy phép xây dựng tôi mới thấy không hề đơn giản (mặc dù đã xác định tư tưởng trước), nào chỉnh sửa bản vẽ, nào viết lại đơn…, cuối cùng mới nhận được giấy hẹn lấy kết quả sau 25 ngày làm việc (mặc dù theo quy định là 15 ngày làm việc). Vẫn chưa xong, đúng ngày hẹn, cán bộ thụ lý hồ sơ lại yêu cầu viết lại đơn và ký lại vì 2 chữ ký trong đơn đã nộp và bản vẽ xin phép không giống nhau lắm và coi như nộp lại hồ sơ từ đầu (nghĩa là đợi tiếp 25 ngày làm việc nữa).
Đến lúc này, một số người khẳng định như đinh đóng cột: “Thấy chưa? Không “biết điều” là không được đâu!”. Đến nước này, để kịp thi công, tôi đành phải “bồi dưỡng” cho cán bộ giải quyết hồ sơ 1 phong bì, dù biết rằng việc chạy đi, chạy lại vừa qua có nội dung do mình chưa hiểu rõ nhưng chủ yếu là do lỗi của cán bộ thụ lý hồ sơ đã giải thích chưa rõ ràng, giải quyết sai với trình tự quy định theo Quyết định 68 của UBND TPHCM.
Cô em gái tôi đi làm thủ tục cấp sổ đỏ miếng đất của gia đình cũng đã nhiều lần chứng kiến cảnh cán bộ phụ trách địa chính của phường trong khi vồn vã với những người chuyên đi làm dịch vụ thì lại có thái độ nạt nộ, gắt gỏng với những người dân tự đi làm thủ tục như em tôi. Thái độ đó được nhiều người giải thích đơn giản: Do làm cho dịch vụ thì có bồi dưỡng, còn làm cho người tự đi làm sẽ chẳng được gì nên họ phải làm khó để “nặn cho ra tiền”.
Những chuyện như vậy không hiếm và có lẽ hầu như người dân nào cũng đã từng nếm trải, đến độ người ta cho rằng cứ việc gì cũng phải lót tay, việc gì cũng phải bồi dưỡng, phong bì mới đầu xuôi đuôi lọt được. Ở đây khoan bàn đến “sự tự nguyện” lót tay của người dân làm hỏng cán bộ, mà phải nhìn nhận thẳng thắn rằng có những cán bộ có chút quyền hành là gây khó dân để kiếm chác. Thế nên, không phải ngẫu nhiên cứ gặp vấn đề gì khó khăn khi liên hệ với cơ quan công quyền là người ta nghĩ ngay đến chuyện “đòi ăn” của cán bộ.
Đúng như ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã thẳng thắn phát biểu trước gần 5.000 cán bộ các cấp của TP trong một buổi tọa đàm mới đây rằng: “Căn bệnh của cán bộ là tự mình thấy quan trọng với dân, lúc đó nảy sinh chuyện có ăn mới làm, chẳng khác nào con cá heo, có cho mồi mới diễn hăng say”.
Để đấu tranh ngăn chặn tệ nhũng nhiễu như vậy, cần có nhiều biện pháp, nhưng biện pháp quan trọng và cần làm trước tiên là nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Phải làm sao cho cán bộ, nhân viên cơ quan công quyền nào cũng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ rằng mình là công bộc của nhân dân, chính người dân đã trả lương cho mình để mình phục vụ dân, chứ không phải mình là người có quyền ban ơn cho dân.
THANH TÙNG
(Phước Bình, quận 9, TPHCM)