Ngăn chặn nạn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

Khi thảo luận về việc chỉnh sửa Luật Đất đai, nhiều đại biểu Quốc hội đã lưu ý: Đất đai là lĩnh vực có nhiều cơ hội cho nạn tham nhũng hoành hành, cũng là nơi phát sinh đến 70% số vụ khiếu kiện kéo dài và khởi phát những “điểm nóng” trong xã hội.

Khi thảo luận về việc chỉnh sửa Luật Đất đai, nhiều đại biểu Quốc hội đã lưu ý: Đất đai là lĩnh vực có nhiều cơ hội cho nạn tham nhũng hoành hành, cũng là nơi phát sinh đến 70% số vụ khiếu kiện kéo dài và khởi phát những “điểm nóng” trong xã hội.

Điều dễ nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai khá đồ sộ, gồm Luật Đất đai 2003 và có chừng 400 văn bản hướng dẫn dưới luật, nhưng nội dung các quy định còn chồng chéo, trùng lắp, không chặt chẽ. Trong đó, những quy định về biện pháp chế tài đối với những sai phạm của cán bộ thừa hành chưa được chú ý. Đây là kẽ hở để những cán bộ thừa hành lợi dụng, lách luật dẫn đến tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nghiêm trọng, tràn lan.
 
Theo Luật Đất đai 2003, chủ tịch UBND quận, huyện đến tỉnh, thành phố đều có quyền ban hành quyết định thu hồi đất. Dựa vào quy định này, doanh nghiệp chỉ cần đưa ra “ý tưởng đẹp”, như đổi đất lấy hạ tầng hay chỉnh trang đô thị là có thể thuyết phục được người có chức, có quyền ban hành văn bản chấp thuận thực hiện dự án, nhưng thực chất các dự án đó là lấy đất để xây khu dân cư sinh thái, nhà vườn, hay cao ốc, trung tâm thương mại. Từ đây, nhà cửa, bờ xôi ruộng mật của người dân bị đưa vào quy hoạch, thu hồi để thực hiện dự án. Như vậy, chỉ cần cái “bắt tay” giữa cán bộ và doanh nghiệp, thì nhà cửa, ruộng đất của người dân sẽ trở thành đất dự án.

Luật Đất đai quy định thời hạn thực hiện dành cho dự án đã có quyết định thu hồi đất là 12 tháng; đối với quy hoạch đã được phê duyệt là 3 năm. Song, thực tế có rất nhiều dự án, quy hoạch có thể kéo dài đến 15 - 20 năm, nhưng chính quyền vẫn không thực hiện quyền của mình là thu hồi dự án, điều chỉnh quy hoạch, mà còn ngăn cấm không cho người dân được chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng, sửa chữa, sang nhượng… Cái lợi doanh nghiệp thu được từ việc “treo” dự án này không phải là ít, còn cán bộ có chức, có quyền đâu làm không công?

Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng cũng đang có nhiều bất cập. Theo quy định, Nhà nước chỉ ban hành quyết định thu hồi đối với những dự án phục vụ công ích, còn doanh nghiệp phải tự thỏa thuận thương lượng bồi thường với từng hộ dân.

Luật đã quy định rõ như vậy, nhưng không ít nơi chính quyền vẫn đứng ra làm thay cho doanh nghiệp, ký hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Chính quyền vừa đá bóng vừa thổi còi, không những trái quy định pháp luật mà còn gây bức xúc cho người dân.
 
Do vậy, để hạn chế tham nhũng, rất cần có những quy định cụ thể, biện pháp chế tài mạnh đối với những cán bộ không thực hiện hoặc làm trái các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai.

TRẦN VĂN (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục