Có không ít doanh nghiệp lợi dụng quảng cáo như một phương thức nhằm hạ thấp sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh; hoặc cố tình đưa thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về các đặc tính của sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình một cách trái luật, trái chuẩn mực đạo đức kinh doanh thông thường. Đó là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Điều 45 Luật Cạnh tranh 2004, hành vi bị coi là quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh khi so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác. Đây là hành vi rất phổ biến và các đơn vị khi thực hiện quảng cáo dễ vi phạm.
Xin dẫn chứng: Công ty X chuyên sản xuất nệm đã đưa ra mẫu quảng cáo như sau: “Đối với nệm lò xo, do tính chất không ưu việt của nguyên liệu sản xuất nên chất lượng nệm sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu độ đàn hồi của lò xo cao, lò xo dễ bị gãy, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đối với nệm nhựa tổng hợp poly-urethane (nệm mút xốp nhẹ) không có độ đàn hồi, mau bị xẹp. Chính vì những lý do đó mà Công ty X hoàn toàn không sản xuất nệm lò xo cũng như nệm nhựa poly-urethane. Tất cả các sản phẩm của Công ty X đều được làm từ 100% cao su thiên nhiên, có độ bền cao và không xẹp lún theo thời gian”.
Ở đây, mặc dù Công ty X không chỉ định trực tiếp đơn vị có hàng hóa bị so sánh. Tuy nhiên, qua cách mô tả của mình, khách hàng đã nhận dạng các doanh nghiệp có sản phẩm bị so sánh, từ đó làm ảnh hưởng đến uy tín của họ trên thị trường. Do đó, các công ty sản xuất nệm nhựa và nệm lò xo đã khởi kiện Công ty X về hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nêu trên.
Hành vi bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng cũng bị coi là quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng là vi phạm thường xảy ra. Hành vi này thể hiện sự không lành mạnh ở chỗ đơn vị xâm phạm đã quảng cáo bắt chước nhằm lợi dụng thành quả của đơn vị khác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Từ đó, khách hàng sẽ nhầm tưởng rằng hai loại hàng hóa do cùng một đơn vị sản xuất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa, dịch vụ bị nhầm lẫn.
Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh còn bao gồm việc đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.
Với những dấu hiệu trên, có thể thấy cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, không những gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Do đó, pháp luật phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi này.
Theo đó, Nghị định 71/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh có thể bị xử phạt từ 60 triệu đồng đến 140 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, nếu quảng cáo gian dối về hàng hóa dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 1999.
Môi trường cạnh tranh lành mạnh là cơ sở phát triển vững chắc cho doanh nghiệp và đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, không những gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp bị tác động mà còn ảnh hưởng đến trật tự phát triển kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần phải biết sáng tạo ra những phương thức sáng tạo chuyên nghiệp, hấp dẫn mang tính tác động cao đến thị hiếu người tiêu dùng, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và tôn trọng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng luật sư PHANS)