Trong vài năm gần đây, đã xảy ra không ít thảm cảnh do giận chồng, bế tắc trong cuộc sống, có những người mẹ đã giết chính con đẻ của mình rồi tự tử. Dư luận vô cùng đau xót, phẫn nộ vì hành vi dã man của những người mẹ nông nổi. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như trách nhiệm xã hội trong những vụ án mạng thương tâm này, PV Báo SGGP đã gặp, trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 175 TPHCM.
* Phóng viên: Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ án mạng thương tâm đối với con trẻ mà hung thủ không ai khác chính là mẹ ruột của nạn nhân. Theo bác sĩ, vì sao lại xảy ra những thảm cảnh như vậy?
* Bác sĩ NGUYỄN VĂN CA: Một khi đã bế tắc trước cuộc sống, người mẹ dễ bị rối loạn về tâm thần nên có thể ra tay sát hại con mình. Tuy nhiên, phải nhìn lại quá khứ hình thành nhân cách của những bà mẹ này, như họ quá dễ dãi trong quan hệ nam nữ, sống quá buông thả, dẫn đến suy đồi về nhân cách; hoặc sống trong gia đình nhiều bạo lực, gia đình không hoàn thiện. Cũng có thể là do sự hiểu biết kém, không làm chủ được cuộc sống… Họ rơi vào trạng thái hoang mang, không biết bấu víu vào đâu khi định kiến xã hội còn rất lớn; cuộc sống đang khó khăn bế tắc.
Người phụ nữ thường phải chịu rất nhiều áp lực như kinh tế, mâu thuẫn vợ chồng, mối quan hệ với gia đình nhà chồng… kéo dài nhiều năm, dẫn đến hình thành bệnh lý gọi là “cơn xung động hành vi”. Họ dễ bị sốc trước một mâu thuẫn dù rất nhỏ, bế tắc khi nghĩ đến tương lai và nghĩ chỉ có cái chết mới giải thoát được họ. Qua nhiều lần nghĩ như vậy nhưng không có nơi để giãi bày hay chia sẻ, không có người khuyên can, đến một lúc nào đó, họ nghĩ đến cái chết. Cũng vì tình thương con, sợ con sau này sẽ rơi vào hoàn cảnh như mình, nên những trường hợp này thường giết con rồi tự tử.
* Còn áp lực xã hội tác động đến họ như thế nào?
* Áp lực xã hội đối với mọi người là như nhau, căn bản là mỗi người tiếp nhận áp lực đó như thế nào tùy theo nhân cách sống, sự hiểu biết để xử lý tình huống. Với những con người mà nhân cách đã bị xuống cấp, hoặc tâm lý đã bị tổn thương, sức tiếp nhận áp lực xã hội sẽ kém hơn. Do đó họ dễ hoang mang và có những hành động vô cảm đối với ngay cả con ruột của mình.
* Vậy theo bác sĩ, trách nhiệm của gia đình và xã hội trong những thảm cảnh này như thế nào?
* Trong trường hợp đứa con ngoài giá thú bị mẹ ruột giết, không chỉ lỗi từ một mình người mẹ. Nguyên nhân đẩy họ tới hành động cạn nghĩ như vậy còn là do sự vô trách nhiệm của người đàn ông. Trong khi đó, gia đình lại không bao dung, che chở khi biết con mình lỡ dại có thai. Đó còn do sự nhẫn tâm, dè bỉu của xã hội đối với những người phụ nữ có thai ngoài giá thú. Trong trường hợp này, người mẹ đã phải chịu những cú sốc tinh thần rất lớn, lúc này sự tác động tiêu cực từ người xung quanh sẽ tạo nên sức ép vô cùng lớn, bế tắc trong suy nghĩ, từ đó họ dễ có suy nghĩ và hành động ích kỷ đến mức tàn ác đối với con đẻ của mình.
Do đó, ngoài việc xử lý nghiêm các bà mẹ nhẫn tâm giết hại con mình, pháp luật cũng cần có biện pháp xử lý đối với những hành động, lời nói góp phần đẩy bà mẹ tới hành vi như vậy. Xã hội cũng cần bao dung hơn đối với những cô gái lỡ bước để họ có niềm tin vào cuộc sống, để không đi đến những hành động dại dột.
* Vậy bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các gia đình, đơn vị đoàn thể, các địa phương để tuyên truyền và kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tội ác này?
* Thực sự đây là một hành vi khó phát hiện, vì nó không có dấu hiệu rõ ràng trước đó. Vì vậy chỉ có thể tuyên truyền nhằm cảnh báo bằng các câu chuyện, các dẫn chứng trong các buổi họp phụ nữ, trong câu chuyện truyền thanh hay những chương trình dành cho gia đình một cách thường xuyên. Đối với gia đình, cần phải có sự nhường nhịn, sẻ chia, sớm phát hiện những dấu hiệu mang tính trầm cảm ở người phụ nữ, nhất là trong giai đoạn nuôi con thơ. Đặc biệt là các bậc cha mẹ, hãy quan tâm đến con mình khi ở lứa tuổi dậy thì - giai đoạn hình thành nhân cách để hướng đến cuộc sống lành mạnh, tránh những bước đi lầm lạc ngay đầu đời, có như vậy sau này đứa trẻ sẽ trưởng thành về mọi mặt, nhân cách sẽ hướng thiện.
THU HƯỜNG