Ngăn cháy lan cháy lớn, phải báo tin nhanh

Chưa đầy 2 tháng qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra hơn chục vụ cháy, trong đó có đến 3 vụ gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm 8 người chết, thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng. Rút kinh nghiệm gì sau các vụ cháy lớn, Cảnh sát PCCC, ngành chức năng liên quan có những giải pháp căn cơ nào để ngăn chặn cháy nổ xảy ra ở thời điểm Tết Nguyên đán 2017 đang đến gần?... Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM.
Ngăn cháy lan cháy lớn, phải báo tin nhanh

Chưa đầy 2 tháng qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra hơn chục vụ cháy, trong đó có đến 3 vụ gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm 8 người chết, thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng. Rút kinh nghiệm gì sau các vụ cháy lớn, Cảnh sát PCCC, ngành chức năng liên quan có những giải pháp căn cơ nào để ngăn chặn cháy nổ xảy ra ở thời điểm Tết Nguyên đán 2017 đang đến gần?... Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM.

* PHÓNG VIÊN: Là người đứng đầu Cảnh sát PCCC TPHCM, đồng chí đánh giá thế nào về công tác phòng và chữa cháy của lực lượng trong thời gian qua, khi gần đây thành phố liên tục xảy ra cháy lớn?

Ngăn cháy lan cháy lớn, phải báo tin nhanh ảnh 1

Đại tá Lê Tấn Bửu

- Đại tá LÊ TẤN BỬU: Trước hết, thay mặt Cảnh sát PCCC TPHCM, tôi xin chia sẻ những mất mát, tổn thất lớn mà gia đình, người thân các nạn nhân tử vong phải gánh chịu trong vụ cháy nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ (quận 3) vừa xảy ra. Với Cảnh sát PCCC TP, chúng tôi lúc nào cũng đặt mình ở tư thế chủ động, sẵn sàng trong công việc.

Bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là phòng cháy, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, xử lý nghiêm các vi phạm về quy định an toàn cháy nổ, công tác ứng trực - sẵn sàng chiến đấu, đối phó sự cố cũng luôn được thắt chặt, tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Ở bất cứ nơi nào của thành phố khi xảy ra sự cố, cảnh sát PCCC đều có mặt trong thời gian tối đa 10 phút.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là công tác tuyên truyền kiến thức, các quy định pháp luật về an toàn PCCC đến người dân của một số đơn vị PCCC nói riêng và địa phương, sở ngành nói chung thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao. Điều này thể hiện rõ qua việc một bộ phận lớn người dân thành phố chưa ý thức cao trong PCCC, tình trạng vi phạm an toàn cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt ngày càng phổ biến. Đây chính là nguyên nhân góp phần dẫn đến nhiều vụ cháy trong thời gian qua.

Hiện nay, Ban giám đốc Cảnh sát PCCC TP đang yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc nhanh chóng phối hợp cùng UBND các quận huyện, sở ngành rà soát lại các giải pháp tuyên truyền, có cách làm mới giúp người dân “thấm” hơn, phòng ngừa hiệu quả, phù hợp hơn. Phòng ngừa cháy nổ không chỉ nhắm vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm mà phải thay đổi được ý thức người dân. Bởi không phải ngày nào, giờ nào lực lượng chức năng cũng kiểm tra, cũng phát hiện và xử lý được vi phạm, trong khi “bà hỏa” thì chực chờ, chỉ một lơ là nhỏ của người dân cũng có thể dẫn đến tai họa.  

Vụ cháy xảy ra ngày 16-12 tại một cửa hàng xăng dầu ở quận Gò Vấp, TPHCM

* Cảnh sát PCCC TPHCM rút ra kinh nghiệm gì và có khuyến cáo nào cho người dân sau các vụ cháy lớn vừa qua?

- Qua công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng cho thấy có hai tồn tại lớn cần phải khắc phục ngay. Thứ nhất, người phát hiện sự cố cháy (chủ nhà bị cháy, người sống xung quanh…) gọi điện báo tin đến Cảnh sát PCCC (tổng đài liên thông 113 - 114 - 115) chậm. Hầu hết các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua đều do tin báo cháy chậm. Đơn cử vụ cháy nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ (quận 3) rạng sáng 16-12, khi cảnh sát PCCC nhận tin và tiếp cận, lửa đã cháy lớn bao trùm cả căn nhà, nếu tin báo đến sớm hơn, có thể thiệt hại về người sẽ không nghiêm trọng đến vậy.

Cảnh sát PCCC TP một lần nữa khuyến cáo, khi phát hiện có cháy, người dân cần gọi ngay số 114, vì trong cháy nổ, chậm 1 giây cũng có thể dẫn đến thương vong. Thứ hai, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ khi sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Vì trên thực tế, 70% số vụ cháy có nguyên nhân do sự cố về điện.

* Nhiều ý kiến cho rằng do lực lượng chữa cháy tại chỗ (LLCCTC) kém nghiệp vụ, thiếu trang thiết bị chữa cháy nên không xử lý được hỏa hoạn khi mới phát sinh, dẫn đến cháy lan, cháy lớn?

- Thực tế công tác chữa cháy cho thấy LLCCTC (bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ của công ty và cơ sở, người dân…) có vai trò rất lớn, trong số hơn 2.223 sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ, cứu nạn cứu hộ trong năm 2016, lực lượng này đã xử lý thành công 2/3 số vụ. Tuy nhiên, sự thật mà nói, hoạt động của LLCCTC hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Để xử lý kịp thời các vụ cháy, nhất là các đám cháy trong các hẻm nhỏ và sâu, trước đây, Cảnh sát PCCC TP có phối hợp với một số quận huyện đầu tư phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp cho LLCCTC như: máy bơm, xe chữa cháy mi ni…

Tuy nhiên, hoạt động của LLCCTC vẫn chưa phát huy hiệu quả do thiếu kinh phí hỗ trợ, duy tu thiết bị; không có người chuyên trách sử dụng phương tiện chữa cháy… Chưa kể, nhân sự của LLCCTC thường xuyên thay đổi, nghỉ việc. Muốn LLCCTC hoạt động hiệu quả hơn, tôi nghĩ cần phải có chính sách, chế độ hỗ trợ phù hợp. 

Vụ cháy lớn xảy ra vào khoảng giữa năm 2016 tại một công ty sản xuất giày dép ở Đồng Nai

* Tết Nguyên đán 2017 đang đến gần, đây là thời điểm có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, Cảnh sát PCCC TPHCM có những giải pháp cụ thể nào để phòng ngừa?

- Như tôi đã nói trên, 70% số vụ cháy thời gian qua có nguyên nhân từ các sự cố về điện. Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân đều có liên quan đến điện, đặc biệt ở thời điểm cuối năm, nguy cơ cháy nổ từ các sự cố về điện sẽ còn tăng cao.

Để đảm bảo an toàn, tránh cháy nổ trong sử dụng điện xảy ra, hiện nay Cảnh sát PCCC TPHCM đang gấp rút phối hợp cùng Điện lực TP, Sở Công thương và các quận huyện thành lập các tổ kiểm tra đến tận các khu dân cư, tổ dân phố để hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, khắc phục ngay các hư hỏng trong hệ thống điện, làm sạch những “ổ nhện” trên trụ điện để phòng ngừa sự cố chạm, chập điện xảy ra gây cháy…

Về lâu dài, tôi kiến nghị thành phố cần lập một đơn vị, tổ chức có chức năng, thẩm quyền kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các lỗi sử dụng điện không an toàn. Như thế, mới hy vọng cháy nổ do sự cố điện không xảy ra. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TPHCM cũng có những đoàn kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm tại các khu vui chơi, chợ, siêu thị, điện máy, khu công nghiệp, khu chế xuất… Đồng thời hướng dẫn người dân kỹ năng phòng cháy, thoát nạn khi sự cố xảy ra, cẩn thận trong đun nấu, thắp nhang thờ cúng… Cảnh sát TPHCM khuyến cáo: ngoài cửa chính, người dân cần thiết mở lối thoát hiểm thứ hai trong nhà; trang bị thiết bị chữa cháy, thang thoát nạn trong nhà.  

* Để xử lý kịp thời, hiệu quả các đám cháy trên cao, tại các nhà cao tầng, mới đây Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng có gợi ý Cảnh sát PCCC TP thuê trực thăng của quân đội, đến nay việc triển khai thế nào, thưa đồng chí?

- Cảnh sát PCCC TP vẫn đang lấy ý kiến các sở ngành liên quan để thống nhất phương án này. Việc đầu tư trực thăng hoặc thuê trực thăng chữa cháy sẽ giúp lực lượng chữa cháy trực tiếp được chủ động hơn, thuận tiện hơn trong xử lý sự cố. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều khả năng tới đây Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ ký kết phối hợp với quân đội về sử dụng trực thăng trong chữa cháy.

Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, số sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ trong những năm gần đây tăng lên từng năm, cụ thể: năm 2014 (1.469 vụ), năm 2015 (1.650 vụ) và năm 2016 (2.223 vụ). Đáng lo ngại hơn, số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng ngày càng nhiều, đối tượng cháy là nhà dân ngày càng gia tăng.

TUẤN VŨ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục