Thực tế, ngân sách dành cho giáo dục đã được tăng lên từng năm (năm 2009: 94.635 tỷ đồng; năm 2010: 104.775 tỷ đồng). Dù giáo dục là một trong những lĩnh vực được ngân sách ưu tiên đầu tư nhưng để đạt tới chất lượng giáo dục như kỳ vọng thì tiền đầu tư cho giáo dục hiện nay vẫn được ví như gió vào nhà trống.
Điệp khúc thiếu
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH), chỉ ra một bức tranh không kém phần ảm đạm ở bậc mầm non, theo đó tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 42%; phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn chiếm 20,8%, hầu hết là đi học nhờ ở đình, chùa, các nhà văn hóa. Các cơ sở giáo dục mầm non TP thiếu đất, thiếu sân chơi, khuôn viên chật chội; còn các cơ sở giáo dục mầm non ở nông thôn lại thiếu trang thiết bị dạy học, công trình vệ sinh chưa đạt yêu cầu. 47,8% số phòng học của các cơ sở mầm non tư thục chưa đạt yêu cầu theo quy chế.
Do “miếng bánh ngân sách” có hạn nên chi ngân sách cho giáo dục mầm non hiện mới đạt 8,5% ngân sách dành cho giáo dục. Đã khó càng khó hơn nên trong số ngân sách ít ỏi đó, nhiều tỉnh chỉ “xẻn” ra 1%-2% ngân sách để chi cho hoạt động chuyên môn. “Với mức đầu tư như vậy thì làm sao nâng cao chất lượng giáo dục mầm non - bậc học vốn được coi là tiền đề quan trọng của các bậc học. Với ngân sách ít ỏi, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng khó mà hiệu quả”, bà Huyền cho hay.
Ở hệ trung học, khoan nói đến cả hệ thống, chỉ riêng khối trường chuyên, trong một nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục, mới đây Chính phủ quyết định dành hẳn 2.300 tỷ đồng để phát triển, với mục tiêu không phải để đào tạo “gà nòi” mà nhằm kéo chất lượng giáo dục đại trà lên. Thế nhưng chỉ với ngần ấy tiền, lại xuất phát điểm từ một hệ thống trường chuyên còn nhiều thiếu thốn như hiện nay, dư luận lo ngại mục tiêu của đề án là quá xa vời.
Hệ dạy nghề cũng không khả quan hơn như ông Hoàng Văn Toàn (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH) nhận định, từ trang thiết bị đến đội ngũ giáo viên dạy nghề đều lúng túng, lạc hậu, khiến doanh nghiệp hầu như phải đào tạo lại người học.
Đột phá thế nào?
Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới về mức độ hài lòng với chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam chỉ đứng thứ 85/123 quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Khả năng thực hành của sinh viên Việt Nam hạn chế là do họ không có điều kiện tiếp cận với thiết bị hiện đại. Vì vậy, phải hiện đại hóa các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo kỹ sư; có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, xây dựng đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng thực hành cho sinh viên” - ông Nguyễn Văn Sỹ, Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH, cho biết.
Bà Trương Thị Thu Hằng, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cũng đề nghị Chính phủ cần cắt giảm những khoản đầu tư công không hiệu quả hoặc chưa thật cấp thiết để tăng cường đầu tư cho y tế và giáo dục. Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, nói: “Xã hội đều thấy giáo dục không đảm bảo chất lượng và chi phí giáo dục quá thấp. Tôi cho rằng, chi cho giáo dục là điều phải quan tâm đầu tiên”.
Tuy nhiên, có một thực tế là ngân sách thì có hạn mà ngành nào, tỉnh nào cũng đòi được ưu tiên đầu tư, vì thế mà phải “liệu chi sao cho hợp lý” như lời Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên. Chắc chắn các cơ sở giáo dục không thể trông đợi hoàn toàn vào ngân sách.
Gợi ý cho các trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới đây cho rằng, các trường ĐH cần có đột phá trong quan hệ với doanh nghiệp, trong tổ chức thu nhận đóng góp của xã hội. Chủ trương xã hội hóa trong giáo dục cũng đã được triển khai. Vấn đề là Chính phủ cần tạo ra đột phá để giáo dục không chỉ trông đợi vào sự đầu tư của Nhà nước, mà còn có thể phát huy được nội lực, thu hút ngoại lực để phát triển.
Phan Thảo