Ngán tập huấn, ngại bồi dưỡng

Đó là tâm sự, nỗi niềm đầy trăn trở của nhiều giáo viên phổ thông đã trải qua thực tế. Và đến hẹn lại lên, hè về, họ - giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lại “bị triệu tập” đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn với thời gian ngắn, dài khác nhau.
Ngán tập huấn, ngại bồi dưỡng

Đó là tâm sự, nỗi niềm đầy trăn trở của nhiều giáo viên phổ thông đã trải qua thực tế. Và đến hẹn lại lên, hè về, họ - giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lại “bị triệu tập” đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn với thời gian ngắn, dài khác nhau.

Vì mang tâm trạng chán ngán, mệt mỏi và sợ tập huấn, nhiều giáo viên được “triệu tập” lên danh sách thì đùn đẩy, nhường phần cho người khác đi. Thực trạng này ai cũng biết nhưng không thể không tham gia...

Không thể phủ nhận có nhiều khóa tập huấn mà giảng viên giỏi, biết cách truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức mới, tổ chức lớp học và dạy học theo phương pháp tiên tiến… thì học viên hứng thú, lắng nghe. Còn có nhiều lớp tập huấn, người trong cuộc cảm thấy hậm hực, bực bội vì bắt buộc phải đi và chán ngán với hình thức tổ chức xơ cứng, nhạt nhẽo, không có gì mới. Vì thế, ở trên thì giảng viên, báo cáo viên cứ nói, cứ giảng cho hết nội dung có sẵn trong tập tài liệu đã phát, còn ở dưới, ai nấy làm việc riêng, “tám chuyện” thoải mái. Nếu nơi nào xiết chặt quản lý, điểm danh thường xuyên thì học viên đành ngồi cho hết giờ, còn không thì tìm cách “chuồn”. Điều đáng nói nữa là nhiều cuộc hội thảo, tập huấn luôn dành thời gian để thảo luận, lắng nghe ý kiến đa chiều của học viên, nhưng vì không chú tâm học, tiếp thu kiến thức mới nên nhiều người thụ động, không tham gia ý kiến phản biện. Nhận xét về việc giáo viên đứng lớp mà thụ động như thế thì làm sao khuyến khích học trò năng động, dám phản biện, nói lên chính kiến của mình.

Một lớp tập huấn bồi dưỡng giáo viên

Không thể phủ nhận việc tập huấn kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm nhằm mục đích nâng cao năng lực dạy học của giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là quan trọng, cần thiết. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT và ngành GD-ĐT các địa phương cần nghiên cứu đổi mới hình thức lẫn nội dung của hoạt động này để nó mang lại hiệu quả thiết thực, tránh bệnh hình thức, hành chính như đang làm. Nên bỏ hình thức “vết dầu loang” - nghĩa là cử cán bộ, giáo viên cốt cán đi tập huấn tập trung ở các thành phố lớn rồi về truyền đạt cho người khác vì có thể “tam sao thất bổn”, hiệu ứng không cao.

Gần đây, khi tham gia các lớp tập huấn do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức với báo cáo viên, giảng viên có đẳng cấp - chuyên gia giáo dục toàn cầu giảng dạy, nhiều giáo viên lại cảm thấy thích thú, say mê. Họ không chỉ được truyền cảm hứng để dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin mà thực tập mô hình này ngay tại lớp học. Khóa học chỉ kéo dài 2 - 3 ngày với chi phí thấp nhưng họ lĩnh hội được những điều mới mẻ, tiếp thu nhiều công cụ dạy học hiện đại, làm quen với dạy học theo dự án, tích hợp, liên môn… Kết quả, sau khóa tập huấn, nhiều giáo viên đã làm cho tiết dạy hấp dẫn hơn và nó thực sự vì học sinh, hướng tới phát triển năng lực, tư duy sáng tạo, năng động của các em.

Như thế, nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên phải thiết thực, gắn liền với chương trình, nhiệm vụ giáo dục, dạy học của giáo viên, hỗ trợ họ phát huy năng lực, kỹ năng, trình độ… Có như thế nó mới mang lại hiệu quả như đặt ra _ đổi mới vai trò, nhiệm vụ của người thầy trong thế kỷ 21. Còn không, dù tập huấn, bồi dưỡng nhiều đến đâu mà thiếu tính khoa học, thực tiễn thì nó sẽ vô bổ, lãng phí công sức, thời gian của cán bộ quản lý lẫn giáo viên.

THIỆN ANH

Tin cùng chuyên mục