Ngành bán lẻ khởi sắc

Hơn 671.000 tỷ đồng, tăng 136,5% so với năm 2021, là doanh thu bán lẻ hàng hóa TPHCM đạt được trong năm 2022. Đây là con số ấn tượng, ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp (DN) thành phố thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, phục hồi phát triển sản xuất.
Người dân mua sắm tại một siêu thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân mua sắm tại một siêu thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Linh hoạt tìm “tín hiệu”

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, kết quả trên đạt được là do yếu tố khách quan trong nước, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục. Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động thương mại dịch vụ từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân ổn định. Đặc biệt, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… mở cửa trở lại toàn hệ thống. Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh kéo dài, DN buộc phải chuyển đổi hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến. Do vậy, việc thành phố thực hiện chủ trương thích ứng với đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, góp phần giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng mạnh.

Tính đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố có 232 chợ, 3 chợ đầu mối. Riêng về hệ thống siêu thị, thành phố có 106 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm và 131 siêu thị chuyên doanh. Ngoài ra, thành phố có 46 trung tâm thương mại và 3.072 cửa hàng tiện lợi. Các đơn vị đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Ở góc độ khác, đại diện Hội Doanh nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng, ngành bán lẻ trong nước “bật sức tăng” là do DN Việt đã tìm và nắm bắt tốt tín hiệu tiêu dùng trên thị trường. Các DN trong nước đã tái đầu tư bao bì sản phẩm bắt mắt hơn, tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm chế biến đóng gói sẵn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tiện lợi đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Mặt khác, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu do Bộ Công thương, sở Công thương các tỉnh, thành phố tổ chức đã tăng cơ hội cho DN Việt tiếp cận người tiêu dùng. Có thể kể đến một số chương trình tiêu biểu được tổ chức thành công như: Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2022, “Hương vị Việt Nam - Taste of Vietnam” tại hệ thống 15 siêu thị BigC của Thái Lan, gần đây là Tháng khuyến mãi giảm giá sản phẩm với hơn 150 DN tham gia.

Kìm giá để kích sức mua sắm tết

Nhìn nhận về sức mua của thị trường trong thời gian tới, nhiều DN cho rằng, doanh thu bán lẻ sẽ tăng mạnh bởi người dân tập trung mua sắm dịp Tết Nguyên đán.

Là một trong những đơn vị chủ lực của ngành bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, cho biết thêm, hiện Saigon Co.op dành khoảng 6.000 tỷ đồng để chuẩn bị lượng lớn hàng hóa cho dịp trước, trong và sau tết. Tất cả hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op (không chỉ ở khu vực TPHCM mà còn ở khu vực các tỉnh, thành trên cả nước) đều đã hoàn tất kế hoạch tăng tỷ lệ lượng hàng dự trữ lên 30%-50% so với tháng kinh doanh thường, tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến, gạo, bánh mứt các loại, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo… Việc sớm hoàn tất kế hoạch dự trữ nguồn hàng vừa giúp tránh nguy cơ khan hiếm hàng hóa, vừa giúp đơn vị có thời gian rà soát, kiểm soát chặt chất lượng, xuất xứ hàng hóa, đảm bảo người tiêu dùng đón cái tết an vui.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, nhằm tránh nguy cơ khan hiếm và giá cả hàng hóa tăng cao vào thời điểm Tết Nguyên đán, ngay từ giữa năm 2022, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các DN trên địa bàn thành phố triển khai công tác bình ổn thị trường. Hiện nay, chương trình có sự tham gia của 69 hệ thống phân phối, DN. Các đơn vị đã cam kết tăng cường các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, như xây dựng kế hoạch dự trữ, cam kết thu mua - cung ứng, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định. Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh, không tồn trữ, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn, các đơn vị này đã đăng ký giá bán và đã được Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt trước đó.

Nhằm tiếp sức cho những DN tham gia chương trình Bình ổn thị trường năm 2022-2023, sở đã làm việc với các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 1%-1,5%/năm; tập trung các giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, sở đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các DN bình ổn để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo cân đối cung cầu. Việc tăng cường mở rộng các điểm bán bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các vùng sâu, vùng xa, phối hợp các sàn thương mại điện tử trong nước để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân dịp Tết Quý Mão 2023 cũng được Sở Công thương TPHCM triển khai…

Tin cùng chuyên mục