Nhiên liệu sinh học

Ngành công nghiệp đang phát triển

Ngành công nghiệp đang phát triển

Nhiều chính phủ hiện nay coi nhiên liệu sinh học là giải pháp cho cả hai mục đích: giảm phát thải khí CO2, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào giá xăng dầu, loại nhiên liệu “độc quyền” của một vài quốc gia trên thế giới. Từ các nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu đến các nước đang phát triển như Brazil, Ấn Độ… người ta có thể thấy những nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ethanol, bắt đầu từ phía Chính phủ.

Mía và bắp

Ngành công nghiệp đang phát triển ảnh 1

Nhiên liệu sinh học sản xuất từ mía và bắp đang phát triển nhanh trên toàn thế giới.

Brazil là một trong những tấm gương xuất sắc nhất về việc sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông. Hiện nay, nhiên liệu sinh học (nhiên liệu có chứa cồn, ethanol) chiếm khoảng 1/3 tổng nhiên liệu giao thông của đất nước này, tạo ra nhiều lợi ích môi trường đa dạng và giảm mức độ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Việc làm này đã được bắt đầu thực hiện từ 3 thập kỷ gần đây. “Kinh nghiệm Brazil trong việc điều chế ethanol từ mía đường để làm nhiên liệu xe máy có từ những năm 1970. Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng chương trình ethanol. Năm 2004, chúng tôi đã khởi động Chương trình quốc gia sản xuất và sử dụng dầu diesel sinh học (PNPB).

Mục đích là tăng tỷ trọng dầu diesel bán ở Brazil tới 5% vào năm 2013. Đồng thời, chương trình PNPB cũng triển khai những khuyến khích và trợ cấp tài chính nhằm mở rộng cơ hội thị trường cho sản xuất nhiên liệu sinh học ở các nông trang hộ gia đình nhỏ ở miền Bắc và Đông Bắc”, ông Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil cho biết.

Brazil thực hiện các ưu đãi và quy chế quản lý trong ngành giao thông như trợ cấp cho nhiên liệu gốc cồn, tiêu chuẩn quản lý đòi hỏi các nhà sản xuất xe hơi và các loại xe khác sử dụng được nhiên liệu sinh học, thuế suất ưu đãi và hỗ trợ của chính phủ cho cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu sinh học… Các chính sách này chiếm một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhiên liệu sinh học tại Brazil. Tất nhiên, cũng cần nói thêm rằng, phần lớn nhiên liệu sinh học của Brazil được làm từ mía.

Cũng nhằm mục tiêu chính là phát triển năng lượng mới, sạch và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, ở các nước phát triển, ngành nhiên liệu sinh học có nhiều tăng trưởng trong 5 năm qua. Trong bài phát biểu về tình hình liên bang năm 2007, Tổng thống Bush (Mỹ) đã đặt chỉ tiêu tăng sử dụng nhiên liệu sinh học lên 35 tỷ ga-lông vào năm 2017, gấp 5 lần mức hiện nay. Tham vọng là thay thế khoảng 15% dầu nhập khẩu bằng ethanol sản xuất trong nước. Một kế hoạch khác của Liên minh châu Âu: tăng lên 10% tỷ trọng nhiên liệu sinh học trong tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu ngành đường bộ vào năm 2020. Con số đó gấp đôi chỉ tiêu năm 2010 và gấp khoảng 10 lần hiện nay.

Tất nhiên, dù cùng hướng đến việc sản xuất nhiên liệu sinh học, nhưng tùy vào đặc điểm cụ thể, mỗi quốc gia tập trung vào một hướng phát triển riêng. Như đã nói, chủ yếu ethanol ở Brazil được sản xuất từ mía, trong khi tại Mỹ, phần lớn ethanol được làm từ bắp.

Nguyên liệu cho ethanol và bài toán môi trường

Với những điều kiện tự nhiên khác nhau và với các loại cây trồng khác nhau, thế giới đang có một bức tranh đa dạng về điều chế ethanol. Ở khu vực Đông Á, diện tích canh tác cây cọ dầu đang được mở rộng, đặc biệt là tại Malaysia và Indonesia. Theo UNDP, từ năm 1999 tới nay, nhập khẩu dầu cọ vào Liên minh châu Âu của hai nước này đã tăng gấp đôi.

Một hướng khác trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học được Nhật Bản đang nghiên cứu và phát triển hiện nay là nghiên cứu chế tạo ethanol từ rơm rạ. Hướng phát triển này đang mở ra những dự án đô thị nông nghiệp khép kín, khi toàn bộ chất thải từ nông nghiệp được tái sử dụng để tạo ra năng lượng mới.

Tuy nhiên điều quan trọng không phải là sản xuất ethenol bằng nguyên liệu nào, mà là bài toán giá cả, bài toán năng lượng, bài toán môi trường trong sản xuất ethanol cũng phụ thuộc vào công nghệ và nguyên liệu. Theo UNDP, trong khi việc sản xuất ethanol từ mía đường của Brazil có giá rẻ bằng nửa ethanol được sản xuất từ bắp của Mỹ, đồng thời có thể cắt giảm khoảng 70% phát thải khí CO2, thì con số tương ứng tại Mỹ chỉ là 13%. Việc sản xuất ethanol từ dầu thực vật tại châu Âu có giá thành ít cạnh tranh nhất.

Vấn đề lớn nhất trong bài toán môi trường của sản xuất ethanol là quá trình sản xuất ra loại nhiên liệu sinh học này có thể gây phát thải rất lớn, khiến cho mục đích “nhất cử lưỡng tiện”, vừa sản xuất được nhiên liệu thay thế vừa giảm phát thải CO2 bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người ta hoàn toàn có thể hy vọng vào công nghệ tương lai, sẽ giúp giải quyết bài toán này. 

HẠNH DUNG 

Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều bước tiến trong việc xây dựng và phát triển nhiên liệu sinh học. Chúng ta có thể tìm thấy các thông tin về việc sử dụng mỡ cá làm nhiên liệu sinh học tại đồng bằng sông Cửu Long; dự án tái chế, sử dụng dầu ăn phế thải để làm nhiên liệu sinh học đang được Sở Khoa học và công nghệ TPHCM thực hiện. Ngoài ra, việc phát triển các nghiên cứu mới như mô hình đô thị sinh thái, sản xuất ethanol từ rơm rạ cũng đang được các nhà khoa học tại Trường ĐH Bách Khoa TPHCM nghiên cứu, đây là dự án được các nhà khoa học Nhật Bản đánh giá cao. Được biết, hiện nay các nhà máy mía đường của Việt Nam cũng đã bắt đầu liên lạc hợp tác với các doanh nghiệp xăng dầu để nỗ lực sản xuất và phổ biến ethanol.

Về nguồn nguyên liệu cho ethanol, hiện có một số dự án khoanh vùng nguyên liệu đang được triển khai ở VN, để trồng dầu cọ và một số loại cây có dầu thực vật khác. Khu vực miền Trung được đánh giá là phù hợp nhất để phát triển các loại cây này.

HỒ XUNG

Tin cùng chuyên mục