Ngành công nghiệp máy tính Việt Nam tập trung cho R&D

Phát triển tri thức trên phần cứng
Ngành công nghiệp máy tính Việt Nam tập trung cho R&D

Hiện rất nhiều sản phẩm phần cứng công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo nên thương hiệu trên thị trường và phần nào được người tiêu dùng trong nước chấp nhận dù trong sản phẩm đó có không ít linh kiện ngoại nhập. Vấn đề đặt ra là muốn xây dựng nền công nghiệp về công nghệ thông tin Việt Nam, liệu có phải chỉ cần làm những công đoạn cần làm hay làm tất cả các cụm linh kiện board mạch chủ, bộ vi xử lý, ổ cứng, RAM, ổ đĩa ngoài, bàn phím, màn hình, thùng máy…

Máy tính thương hiệu Việt FPT Elead đã được nhiều người tiêu dùng chấp nhận.

Máy tính thương hiệu Việt FPT Elead đã được nhiều người tiêu dùng chấp nhận.

Phát triển tri thức trên phần cứng

Sản phẩm CNTT gồm có hai phần: phần vật lý và phần tri thức. Sản phẩm tri thức là những kiểu dáng công nghiệp, tính năng thân thiện... Về lâu dài, muốn phát triển ngành công nghiệp phần cứng CNTT, cần xây dựng hoàn chỉnh cả hai mảng này. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, nên chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển phần tri thức, chất xám, tức là “phần hồn” cho các sản phẩm. Mà phần chất xám này ta hoàn toàn có thể chủ động được. Hướng đi này sẽ làm cho sản phẩm có giá trị gia tăng rất cao, theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM cho rằng, chúng ta cần có một cái nhìn khách quan về bản chất của ngành công nghiệp CNTT trong thế giới phẳng, ở đó sản xuất phần cứng không có nghĩa là làm tất cả các khâu để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Sản xuất phần cứng trong thời đại hiện nay đã được phân công quốc tế, các sản phẩm có phần tích hợp không chỉ là sản phẩm vật lý. Sản phẩm phần cứng không có nghĩa chỉ có giá trị vật lý mà còn mang các giá trị thương hiệu, giá trị thị trường, hàm lượng chất xám về kiểu dáng và trí tuệ. Vậy việc xây dựng nền công nghiệp sản xuất phần cứng tại Việt Nam hiện nay không cần phải kèm theo ý tưởng phải có nền công nghiệp phụ trợ theo kiểu sản xuất toàn bộ từ con ốc, khung nhựa đến những chip xử lý chuyên dùng. Hơn nữa, đầu tư vào các nhà máy sản xuất phụ trợ loại này đòi hỏi một số vốn hàng tỷ USD với sản lượng hàng triệu, trăm triệu sản phẩm. Với tình hình thị trường, năng lực tài chính, quản lý công nghiệp, quan hệ kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chưa nên xây dựng nền công nghiệp CNTT theo hướng này.

Hỗ trợ bằng cách nào?

Trước nhiều ý kiến cho rằng máy tính thương hiệu Việt chỉ có thương hiệu, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng phần giá trị gia tăng tại Việt Nam của những máy tính thương hiệu Việt, nếu kể cả mainboard, monitor đã được sản xuất trong nước, cộng với các chi phí sản xuất, nhân công, nhà xưởng, điện nước... đã có những thương hiệu đạt giá trị gia tăng trên 30% giá thành xuất xưởng. Còn theo số liệu của Hội Tin học TPHCM năm 2010, giá trị cộng thêm bình quân là 24%. Được biết doanh thu của phần máy tính thương hiệu Việt Nam năm 2010 ước tính 300 triệu USD, một con số quá nhỏ bé so với tiềm năng mà nó đáng được hưởng. Ông Phạm Thiện Nghệ cho rằng nếu các địa phương thực hiện triệt để Thông tư số 42 của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc sử dụng ngân sách khi trang bị CNTT, giá trị này sẽ tăng lên đáng kể, có thể đạt mức 200%, tiết kiệm đáng kể việc hạn chế nhập siêu.

Muốn xây dựng một nền công nghiệp về CNTT tại Việt Nam, ngoài việc thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp lớn, các công ty FDI, các nhà quản lý cũng nên quan tâm và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm bằng tay hoặc số lượng khiêm tốn nhưng mang giá trị gia tăng cao, trong đó hàm lượng về chất xám, kiểu dáng, chất liệu cao cấp sẽ tạo nên nét riêng. Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, các viện nghiên cứu thuộc cơ quan trung ương, như Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số... cần làm đầu mối trong việc nghiên cứu và triển khai phát triển (R&D) để có các sản phẩm chứa giá trị gia tăng bên trong là các phần mềm nhúng của Việt Nam bên cạnh các thiết bị vật lý nhập ngoại. Sản phẩm nên tập trung cho các thiết bị di động và thiết bị điện tử chuyên dùng (cho ngành y khoa, giáo dục, nghiên cứu khoa học...). Song song đó, Nhà nước cần có thêm những hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng và nâng cao thương hiệu.

Tập trung cho R&D là hướng đi chủ yếu của nền công nghiệp, R&D ở đây được hiểu theo nghĩa rộng kể cả nghiên cứu phát triển kiểu dáng công nghiệp, các giải pháp ứng dụng... đến nghiên cứu phát triển chip điện tử chuyên dụng, thiết kế vi mạch và sản phẩm nhúng. Tại Việt Nam, các công ty lớn như TMA, Global Cybersoft... cũng đã bắt đầu xây dựng đường lối kinh doanh theo hướng này. Nền công nghiệp CNTT của Việt Nam nên đi theo hướng R&D. Ngoài ra, những sản phẩm thuộc nền công nghiệp xanh góp phần giữ gìn môi trường Việt Nam vốn dĩ đã bị ô nhiễm bởi các nhà máy được di dời từ các nước khác sang, cần được khuyến khích. Nếu hiểu theo nghĩa rộng về công nghiệp phụ trợ bao gồm các phần mềm nhúng trong các thiết bị linh kiện (những thiết bị linh kiện này không nhất thiết phải sản xuất tại Việt Nam), việc ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực R&D chính là đầu tư cho nền công nghiệp phụ trợ của nền công nghiệp phần cứng CNTT.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục