Ngành dệt may - Châu Á thống lĩnh thế giới

Ngành dệt may - Châu Á thống lĩnh thế giới

10 năm gần đây, ngành dệt may đã trở thành ngành ăn nên làm ra đối với nhiều nước Tây Á, Đông Á và Đông Nam Á. Thị phần xuất khẩu vào 3 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới là Mỹ, EU, Nhật Bản (chiếm khoảng 70% thị phần tiêu thụ) dần thuộc về các nước châu Á.

Châu Á - xưởng may của thế giới

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các nước châu Á đã tăng nhanh thị phần cung ứng hàng may mặc vào thị trường Mỹ, từ 52% (năm 2000) lên 75% (năm 2009); thị trường EU cũng tăng từ 47% lên 85%, Nhật Bản tăng từ 82% lên 92%. Điều đó cho thấy, châu Á đang trở thành “xưởng may” mới của thế giới. 

Gia công hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: M.HẠNH

Gia công hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: M.HẠNH

Với Việt Nam, sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may đã thể hiện rõ qua từng năm. Xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ đã tăng vọt sau khi quan hệ thương mại 2 nước được bình thường hóa. Năm 2001, Việt Nam xuất khẩu dệt may vào Mỹ chỉ đạt khoảng 47 triệu USD nhưng đến năm 2009 đạt khoảng 5 tỷ USD, vươn lên dẫn đầu kim ngạch hàng xuất khẩu cả nước. Trong đó dệt may xuất khẩu vào Mỹ chiếm khoảng 55% thị phần xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam, EU chiếm khoảng 20%, Nhật Bản hơn 10%.

Sự dịch chuyển của sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may thế giới từ châu Âu sang châu Mỹ và đang dừng lại ở châu Á xem ra phù hợp với quy luật phát triển kinh tế. Ngành may cần nhiều lao động và nhân công rẻ trong khi châu Á hội đủ hai yếu tố này. Xét theo tập quán, tính cách sinh sống, người lao động ở châu Á chịu khó, tỉ mỉ và có tay nghề hơn, nên dù châu Phi cũng đủ 2 yếu tố trên nhưng vẫn chưa là điểm đến của sự dịch chuyển này. Hơn nữa, do gần nguồn nguyên liệu hơn, nên châu Á vẫn là nơi cung ứng dệt may hàng đầu cho thế giới trong 10 - 20 năm tới.

Hợp tác cùng phát triển

Các nhà nhập khẩu đang rất cần những nhà sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng của Việt Nam. Trong thời điểm giá nguyên phụ liệu và chi phí đầu vào gia tăng hiện nay, phần lớn nhà nhập khẩu hàng may mặc đều có sự hợp tác tích cực để thương lượng, nâng giá nhích lên so với hợp đồng đã ký. Nhiều doanh nghiệp dệt may tại TPHCM cho biết, các nhà nhập khẩu đã chịu tăng giá bán lên khoảng 10%-15% so với cùng thời điểm năm 2009.

Hiện nay, sự cạnh tranh trong xuất khẩu hàng dệt may giữa các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… không còn khốc liệt như 3 năm trước. Sự nỗ lực xác lập thị phần giữa các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á dường như đã phần nào đạt được mục tiêu. Do đã khẳng định thương hiệu, uy tín với các nhà nhập khẩu nước ngoài quen thuộc.

Hiện tại hầu hết nhà sản xuất đều có đơn hàng sản xuất quanh năm, không phải mất sức cạnh tranh giành nhau từng đơn hàng như trước. Đây là xu thế mới trong sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may hiện nay. Hơn nữa, việc điều chỉnh giảm sản xuất, xuất khẩu dệt may của một số nước đã phần nào khiến các nhà nhập khẩu lao đao khi tìm nhà sản xuất khác thực hiện đơn hàng. Bây giờ nhà nhập khẩu cần nhà sản xuất hơn.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không lo thiếu đơn hàng, chỉ sợ thiếu lao động. Do vậy, các doanh nghiệp cũng khó mở rộng sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng, dù số lượng đơn hàng ngày càng tăng. Điều đó đòi hỏi nhà nhập khẩu chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam để cùng gỡ khó. Cán cân lợi nhuận không quá nghiêng về một phía như trước đây. Dường như đã qua thời “kén cá chọn canh” của nhà nhập khẩu. Tiếng nói của các nhà sản xuất dệt may Việt Nam “nặng ký” hơn, kể cả quyền làm giá và chủ động lựa chọn đơn hàng tốt nhất để sản xuất.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục