Ngành du lịch với quyết tâm chống biến đổi khí hậu

Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) về biến đổi khí hậu của LHQ, một trong những sự kiện quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến tương lai nhân loại đã khép lại với nhiều thất vọng liên quan đến ý thức trách nhiệm của nhiều quốc gia. Thế nhưng, niềm hy vọng về những thay đổi vẫn chưa phải là chấm dứt khi nhiều tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào làm, thay vì chỉ nói.

Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) về biến đổi khí hậu của LHQ, một trong những sự kiện quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến tương lai nhân loại đã khép lại với nhiều thất vọng liên quan đến ý thức trách nhiệm của nhiều quốc gia. Thế nhưng, niềm hy vọng về những thay đổi vẫn chưa phải là chấm dứt khi nhiều tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào làm, thay vì chỉ nói. 

Du lịch và lữ hành là ngành kinh tế nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên vì vậy được xem là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nước biển dâng cao.

Bên cạnh đó, du lịch và lữ hành là một trong những ngành lớn nhất thế giới tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu. Năm 2009, doanh thu của ngành chiếm 9,3% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu và tạo được hơn 210 triệu việc làm, tương đương 7,4% số việc làm được tạo ra trên thế giới trong năm qua. Ý thức được sự gắn kết chặt chẽ và vai trò của ngành du lịch trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, 2 tổ chức quản lý ngành du lịch và công ty lữ hành quốc tế là Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) vừa qua đã đạt được thỏa thuận cùng thực hiện các tiêu chuẩn về giảm khí thải và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký UNWTO Taleb Rifai và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc WTTC Jean-Claude Baumgarten đã phát biểu về ý nghĩa quan trọng của việc ngành du lịch và lữ hành thế giới tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này, xem đây là tiền đề then chốt đặt ngành vào vị thế tốt nhất trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. UNWTO và WTTC khẳng định sự bền vững của ngành du lịch và lữ hành thế giới phụ thuộc vào sự bền vững của hệ sinh thái và các cộng đồng dân cư bản xứ. 

UNWTO là cơ quan chuyên ngành du lịch của LHQ gồm 150 nước thành viên và 400 công ty du lịch công và tư nhân. Trong khi đó, WTTC là tổ chức quản lý du lịch và lữ hành thế giới khu vực tư gồm 100 công ty du lịch lớn nhất thế giới. Một số định hướng cụ thể đã được UNWTO và WTTC đưa ra, đó là giảm lượng khí CO2 từ các phương tiện vận chuyển du lịch, giảm và tiến tới thay thế các thiết bị làm lạnh có sử dụng khí CFC, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, trồng cây xanh ở các khu điểm du lịch; giảm thiểu chất thải... 

Tại Anh, Hệ thống Du lịch xanh (Green Tourism Business Scheme - GTBS) được thành lập từ năm 1997 bao gồm hơn 700 thành viên là những tổ chức hoạt động trong ngành du lịch. Những thành viên này được khuyến khích sáng tạo ra những giải pháp kinh doanh theo một “tiêu chuẩn xanh” mà GTBS đưa ra. Gần đây, trong quá trình diễn ra hội nghị Copenhagen, tổ chức “Hòa bình xanh” (Green Peace) cũng đã thực hiện nhiều đợt vận động ở nhiều quốc gia, kêu gọi những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Những hành động cụ thể này được kỳ vọng là sẽ tạo độ lan tỏa ngày càng lớn mạnh, có thể mang lại hiệu quả tích cực và thiết thực hơn cả những hội nghị với quy mô rất lớn nhưng lại tỷ lệ nghịch với những điều đạt được 

THIÊN NHƯ
 (Theo wttc.org, GTBS)

Tin cùng chuyên mục