Ngành giáo dục có trách nhiệm hướng nghiệp

Hàng năm, mỗi lần đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiếp đến là tuyển sinh đại học, lại có những chương trình cho học sinh lớp 12 như “Tiếp sức mùa thi”, “Tư vấn tuyển sinh”… đã góp phần cùng xã hội chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ, nhất là cho những học sinh cuối cấp THPT, chuẩn bị bước vào môi trường học tập mới.

Tuy nhiên, có một vấn đề được đặt ra, những chương trình tư vấn này lẽ ra thuộc trách nhiệm chính của ngành giáo dục, với hệ thống quản lý khá lớn như bộ, vụ, viện, sở, phòng, trường học, cùng mạng lưới rất đa dạng và phong phú. Trước kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GD-ĐT chỉ xuất bản quyển “Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ” của năm hiện hành, sau đó là một khoảng trống về thông tin, để cho thí sinh tự tìm hiểu, lựa chọn trường để thi.

Trong quá trình diễn ra các cuộc tư vấn tuyển sinh, nhiều thầy cô ở các trường đại học nhận được những câu hỏi, thắc mắc từ các học sinh lớp 12, phần nào phản ánh năng lực tư duy, nhận thức độc lập của các em học sinh về những vấn đề của cuộc sống, sắp rời mái trường phổ thông để bước vào bậc học khác.

Có thể thấy, khả năng định hướng nghề nghiệp của một bộ phận học sinh còn khá mơ hồ, thiếu hiểu biết về ngành sẽ thi tuyển. Những câu hỏi : “Làm hồ sơ thi nhưng em rất hoang mang, chưa biết chọn ngành nào?”, “Em muốn học ngành kiến trúc, xây dựng thì sẽ dự thi vào khối nào?”…, cho thấy việc chọn ngành, nghề, trường sao cho phù hợp với sở thích, năng lực học vấn của bản thân, tài chính của gia đình vẫn còn những câu hỏi chưa có lời đáp.

Nếu được chuẩn bị chu đáo từ 3 năm học của cấp THPT, học sinh phải được hướng nghiệp đầy đủ từ nhà trường. Thông tin, tư vấn để được định hướng về ngành học, nghề nghiệp tương lai sẽ chọn, giúp học sinh tự tin hơn trước ngưỡng cửa vào đại học, cao đẳng, vốn đã là cửa ải khá khắc nghiệt, nhất là đối với những học sinh ở vùng nông thôn, vùng biên giới, dân tộc. 

ĐẶNG TRUNG THÀNH

Tin cùng chuyên mục