Ngành gỗ, thời cơ và nguy cơ

Doanh nghiệp Việt Nam từng đến Malaysia để tìm hiểu và học hỏi về công nghiệp chế biến gỗ. Vậy mà, 2 thập niên sau, Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 của Malaysia ở Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và lọt vào tốp 5 những nước có trị giá xuất khẩu sản phẩm từ gỗ nhiều nhất.  

Tính đến hết tháng 9, ngành lâm sản nói chung (gỗ và sản phẩm từ gỗ chế biến) có giá trị kim ngạch xuất khẩu 6,6 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 23% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Dự báo đến hết năm 2018, kim ngạch xuất khẩu lâm sản khoảng 9 tỷ USD, đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm từ 2010 đến nay. 

Hiện gỗ và sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc với 5,1 tỷ USD, chiếm 86,7% kim ngạch xuất khẩu lâm sản trong 9 tháng qua. 5 thị trường chính này vẫn duy trì mức tăng trưởng khá: Mỹ 15,5%, Trung Quốc 6,5%, Nhật Bản 10%, Hàn Quốc 52%, EU 5%. Việc Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc trước mắt có lợi cho các doanh nghiệp gỗ chế biến Việt Nam khi nhà nhập khẩu Mỹ phải tìm đến nước khác, nhất là Việt Nam, như là quốc gia thay thế Trung Quốc đầy tiềm năng. 

Là địa phương có ngành chế biến gỗ phát triển nhất khu vực Đông Nam bộ và cả nước, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết, sự biến động thể hiện rõ qua lượng khách hàng Mỹ tới đặt hàng tăng gần đây. Theo ông Hiệp, nhiều doanh nghiệp Việt có cơ hội rất lớn để tiếp cận thị trường này nếu hiểu văn hóa Mỹ, một thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn và cách làm việc rõ ràng. Một số doanh nghiệp khác cho biết, các đơn hàng vào Mỹ đang có xu hướng tăng. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ đạt trị giá 3 - 4 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp chế biến gỗ từ Trung Quốc xuất vào Mỹ trị giá 20 tỷ USD/năm. 
 

Còn ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cảnh báo, khi Mỹ đưa mặt hàng gỗ của Trung Quốc vào danh sách chịu thuế thì nguy cơ doanh nghiệp gỗ chế biến Trung Quốc chuyển hàng hóa sang Việt Nam là khó tránh khỏi. Bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc đã ở Việt Nam, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Thực tế ở một số tỉnh phía Bắc cho thấy đã có không ít doanh nghiệp gỗ trong nước “bị” doanh nghiệp Trung Quốc mua lại, họ sử dụng con người, thiết bị Việt Nam để làm hàng dán mác Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, cũng như để hưởng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với nhiều quốc gia và tổ chức.

Các chuyên gia ngành gỗ cho rằng, nếu các doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam từ từ, khi đó doanh số xuất khẩu của Việt Nam tăng dần thì có thể tạm ổn, nhưng nếu chuyển dịch ồ ạt vào Việt Nam và cùng xuất đi Mỹ, dẫn tới trị giá xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến. Khi đó các doanh nghiệp Mỹ sẽ phát đơn kiện lên Chính phủ Mỹ, và nhiều khả năng sẽ khiến sản phẩm gỗ của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá như Trung Quốc đang bị áp thuế trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Do vậy, hiện ở Mỹ đang áp thuế chống lẩn tránh thuế. Muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ với hợp đồng có sẵn, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đến các nước khu vực Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, để lấy xuất xứ hàng hóa rồi xuất qua Mỹ. Khi đó, với đạo luật chống lẩn tránh thuế, phía Mỹ sẽ theo dõi sát, khi phát hiện ra doanh nghiệp Việt Nam nào tiếp tay thì khi đó sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ bị áp đạo luật này với mức thuế tăng từ 10% trở lên. Điều này, nếu xảy ra, sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với cả ngành chế biến gỗ Việt Nam, giống như đã và đang xảy ra với ngành thép, và thiệt hại sẽ không lường hết được.

Tin cùng chuyên mục