Diễn đàn: Làm thế nào để “Mọi người cùng buýt”

Ngành vận tải hành khách công cộng: Chưa đáp ứng nhu cầu người dân

Ngành vận tải hành khách công cộng: Chưa đáp ứng nhu cầu người dân

Với một đô thị lớn như TPHCM (hơn 7 triệu dân, theo số liệu năm 2009) có đời sống kinh tế năng động, nhu cầu giao thông rất lớn, nhưng 90% số lượt người đi lại dựa vào các phương tiện cá nhân, trong khi đó phương tiện giao thông công cộng (GTCC) chỉ có duy nhất hình thức xe buýt. Xe buýt chưa thực sự thuyết phục người dân, nguyên nhân do đâu?

Quy hoạch chưa tốt

Hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông bị hạn chế nên việc bố trí mạng lưới giao thông nhiều bất cập. Các chỉ số về mật độ đường của hệ thống đường bộ và phụ cận rất thấp (bình quân 611,77người/1km²), mật độ đường/1.000 dân chỉ 11-12%. Trong khi tại các nước tiên tiến, quỹ đất dành cho giao thông khoảng 20-25% diện tích lãnh thổ thì ở TPHCM chỉ khoảng 13,42%.

Hành khách tại một trạm chờ xe buýt. Ảnh: KIM NGÂN

Hành khách tại một trạm chờ xe buýt. Ảnh: KIM NGÂN

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển GTCC chưa được hoàn chỉnh và phê duyệt chính thức, gây khó khăn cho việc kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Do phát triển thiếu quy hoạch nên hệ thống VTHKCC của TP còn nhiều bất cập, cụ thể như:

- Hầu hết các tuyến xe buýt vẫn còn tập trung ở các quận nội thành. Chưa có quy hoạch luồng tuyến một cách chi tiết, phù hợp với thực trạng TPHCM, đặc biệt là các đường nhánh, đường xương cá đến các khu dân cư, hiện nhiều địa bàn khoảng cách từ nhà dân đến trạm đón xe buýt còn quá xa, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người dân cảm thấy bất tiện khi đi xe buýt.

- Chưa cập nhật được các tuyến giao thông mới để phát triển xe buýt và các loại phương tiện VTHKCC khác.

- Hệ thống bến bãi còn quá thiếu và chưa phù hợp. Các bến xe hiện tại với cơ sở vật chất, dịch vụ không đủ đáp ứng nhu cầu đậu, đỗ khi các tuyến xe buýt mới được đưa vào khai thác.

- Ngành vận tải cũng chưa tạo ra những điều kiện thực sự thu hút người dân tham gia phương tiện GTCC này như: thiếu các phương pháp thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về dịch vụ như đi tuyến nào, đón xe tại vị trí nào, khi nào thì xe đến trạm dừng, nhà chờ. Trên xe buýt tình trạng người đông, nhếch nhác, chen lấn, xô đẩy, trộm cắp… cung cách của nhân viên phục vụ trên xe, đối xử với hành khách thiếu văn minh, tệ nạn trộm cắp, trên xe... Việc đón trả khách không đúng điểm quy định, không đúng luồng tuyến, lộn xộn. Những yếu tố trên đã góp phần làm cho loại phương tiện này dần mất đi ưu thế.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đối với phương tiện GTCC còn hạn chế. Nhiều người không sử dụng phương tiện GTCC vì lý do tâm lý, do họ có ít kinh nghiệm về sử dụng phương tiện GTCC.

Cần phối hợp đồng bộ

Phát triển phương tiện VTHKCC được xem là một giải pháp quan trọng nhằm giảm mật độ giao thông trên đường, hạn chế ách tắc giao thông và nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng của giao thông đô thị. Để làm được điều này phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, ngành giao thông và bản thân người dân.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, quản lý GTCC một cách hoàn chỉnh, thích hợp với nhu cầu thực tế của thành phố. Tập trung làm tốt công tác thanh toán trợ giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt. Huy động các nguồn tài trợ, khuyến khích và nhân rộng các mô hình giao thông tiêu biểu. Huy động vốn từ nhiều nguồn kinh phí của Chính phủ như phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân, vay vốn ưu đãi của nước ngoài để mở rộng các loại hình VTHKCC khác như tàu điện ngầm…  Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa tới công tác quy hoạch thành phố, mở rộng thành phố và giãn dân nhằm tăng hơn nữa quỹ đất dành cho giao thông, từ đó giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông.

Về phía ngành giao thông, các hợp tác xã (HTX) cần phải tổ chức lại theo hình thức góp vốn cổ phần hoặc thành lập công ty cổ phần để các xã viên HTX góp vốn từ đó có điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, xây dựng các trạm bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện quy mô lớn, đảm bảo hiệu quả và chất lượng phương tiện nhằm phục vụ hành khách được tốt hơn. Khi đã góp vốn thì các thành viên trong HTX sẽ có trách nhiệm hơn bởi hiệu quả kinh doanh sẽ ảnh huởng trực tiếp tới quyền lợi kinh tế của họ, từ đó chất lượng phục vụ trên các tuyến xe buýt sẽ được cải thiện.

Ngành vận tải cũng cần phải tổ chức lại mạng lưới tuyến xe buýt, đầu tư cơ sở hạ tầng với thiết bị cao hơn. Cụ thể sớm tổ chức mạng lưới VTHKCC theo hướng phân thành hai loại: thị trường cấp 1 (các tuyến trục chính) và thị trường cấp 2 (các tuyến nhánh). Tăng tần số và mở rộng phạm vi hoạt động đến các khu dân cư để thu hút được nhiều khách hàng hơn. Cải thiện hơn nữa các dịch vụ bán vé tháng, vé tập như: mở thêm nhiều điểm và hình thức bán vé tại các vị trí thuận lợi, tăng cường các thông tin hướng dẫn việc sử dụng, giá cả, thủ tục đăng ký… cải thiện các nhà chờ, trạm dừng xe buýt, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi chờ đón xe.

Về phía người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa khi tham gia giao thông qua biện pháp tuyên truyền, trong đó học sinh và đoàn viên thanh niên là lực lượng chủ chốt. Người dân cần nhận thức được rằng khi tham gia sử dụng phương tiện VTHKCC là bản thân mình đang góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, làm đẹp cảnh quan đô thị và hơn thế là góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho thành phố thân yêu của chúng ta.

TRỊNH THỊ HIỀN
(Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM)

Tin cùng chuyên mục