Ngày 1-4-1975: Giải phóng Phú Yên

Phú Yên là tỉnh duyên hải Trung Trung bộ, qua đường số 1 giáp với tỉnh Bình Định ở phía Bắc, tỉnh Khánh Hòa ở phía Nam; qua đường số 7 giáp với hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk ở phía Tây. Buôn Ma Thuột thất thủ, quân địch ở Tây Nguyên theo đường số 7 tháo chạy về Phú Yên.
Ngày 1-4-1975: Giải phóng Phú Yên

Phú Yên là tỉnh duyên hải Trung Trung bộ, qua đường số 1 giáp với tỉnh Bình Định ở phía Bắc, tỉnh Khánh Hòa ở phía Nam; qua đường số 7 giáp với hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk ở phía Tây. Buôn Ma Thuột thất thủ, quân địch ở Tây Nguyên theo đường số 7 tháo chạy về Phú Yên.

Các đơn vị chủ lực Quân khu 5 cùng lực lượng vũ trang Phú Yên tổ chức chốt chặn đường số 7, đường số 5, tiến công bức rút, bức hàng các căn cứ của địch ở Xuân Phước, Xuân Quang, Xuân Lãnh, núi Tranh, Phước Bình, Hòn Sặt, Củng Sơn; giải phóng các xã Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Bình, Hòa Phong, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh. Quân địch bao gồm số tàn quân ở Tây Nguyên chạy về và lực lượng tại chỗ ở Tuy Hòa tìm cách tổ chức các cụm chiến đấu lớn ở các điểm cao trong và xung quanh thị xã Tuy Hòa. Hơn 10 tàu chiến các loại bố trí ở ven biển sẵn sàng yểm trợ quân bộ tại các điểm co cụm phòng thủ.

Lễ ra mắt Ủy ban Quân chính tỉnh Phú Yên tại thị xã Tuy Hòa sau ngày giải phóng.

5 giờ ngày 1-4-1975, từ ba mặt, bộ binh và xe tăng Quân Giải phóng đồng loạt tiến công vào thị xã Tuy Hòa. Đến 12 giờ cùng ngày, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần lượt tung bay trên nóc Dinh tỉnh trưởng Phú Yên, Đài chỉ huy quân sự sân bay Đông Tác, Chi khu Tuy Hòa 1, Chi khu Tuy Hòa 2. Tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng.

Phú Yên giải phóng đã đẩy quân địch lui dạt về co cụm chiến đấu trên tuyến phòng thủ vòng ngoài thành phố Sài Gòn tại Khánh Hòa - Phan Rang - Bình Thuận, thu hẹp phần lãnh thổ kiểm soát của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu về Nam bộ và cực Nam Trung bộ.

HỒ SƠN ĐÀI

Tin cùng chuyên mục