Do những chấn tạo địa chất trải qua nhiều thiên niên kỷ mà vùng biển Việt Nam có khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó xa hơn cả là Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Trường Sa nằm trong khoảng 6°30 đến 12°00 Bắc - 111°30 đến 117°30 Đông, gồm hơn 100 hòn đảo, cồn đá, bãi san hô, chiếm diện tích khoảng 180.000km². Từ thế kỷ XV, Nhà nước Việt Nam đã phát hiện, chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trường Sa chỉ có 11 đảo có người ở, trong đó 5 đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Tổng số quân địch đóng trên 5 đảo này khoảng 160 sĩ quan, binh lính thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy.
Các tướng lĩnh, sĩ quan tác chiến làm việc tại hành dinh Bộ Tổng Tư lệnh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Ngày 4-4-1975, thực hiện Nghị quyết ngày 25-3-1975 của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân chủng Hải quân: “Dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng đặc công của Quân khu 5, tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa - một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước”.
Ngay lập tức, kế hoạch đánh chiếm Trường Sa được triển khai xây dựng. Đội 1 - Đoàn 126 đặc công và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 - Quân khu 5 được giao nhiệm vụ sẵn sàng ra biển. Các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn Hải quân 125 từ Hải Phòng theo đường biển tiến về Đà Nẵng, sẵn sàng chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
HỒ SƠN ĐÀI