Ngày đầu siết kinh doanh vàng miếng - Không đột biến!

Vàng nhẫn sẽ thay thế?
Ngày đầu siết kinh doanh vàng miếng - Không đột biến!

Ghi nhận tại các tiệm vàng trên địa bàn TPHCM ngày 25-5, ngày đầu tiên Nghị định (NĐ) 24 về quản lý và kinh doanh vàng bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hẹp số lượng doanh nghiệp (DN) được phép kinh doanh vàng miếng, nhưng thị trường không có gì đột biến, nhiều tiệm vàng vẫn mua bán vàng miếng bình thường với lý do “Chưa có ai quy định ngừng bán vàng miếng nên chúng tôi vẫn mua bán bình thường”.

Chọn mua vàng miếng Phượng hoàng PNJ - DAB tại Cửa hàng PNJ trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Kim Ngân

Chọn mua vàng miếng Phượng hoàng PNJ - DAB tại Cửa hàng PNJ trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Kim Ngân

Vàng nhẫn sẽ thay thế?

NĐ 24 về quản lý vàng quy định chỉ có các công ty, đơn vị hội đủ các điều kiện 100 tỷ đồng vốn tự có, nộp thuế 500 triệu đồng/năm… và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép mới được kinh doanh vàng miếng. Song, ghi nhận tại các tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn quận 1, đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3, đường Cách Mạng Tháng 8 quận Tân Bình, đường Bạch Đằng quận Bình Thạnh… các tiệm vàng vẫn mua và bán vàng miếng, nhưng chủ yếu là giao dịch vàng miếng thương hiệu SJC.

Chủ một tiệm vàng gần chợ Bàn Cờ quận 3 cho biết, chị vẫn mua lại của khách 1 lượng vàng SJC với giá 41 triệu đồng và 5 chỉ vàng SBJ với giá 20 triệu đồng (tức vàng SBJ được tiệm vàng này thu vào với giá thấp hơn vàng SJC 1 triệu đồng/lượng - PV). Chủ tiệm này cho biết thêm: “Cũng nghe nói ngày 25-5 không được bán vàng miếng nữa nhưng vì chưa thấy ai nói gì nên tôi vẫn cứ mua bán bình thường”.

Tiệm vàng trên đường Phó Cơ Điều quận 5 cho biết không bán vàng miếng và chỉ mua lại vàng SJC. Tại trụ sở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), khách hàng vẫn đến giao dịch vàng miếng bình thường. Tại các cửa hàng của Công ty Vàng bạc Sacombank (SBJ) cũng vậy, nhưng so với các chi nhánh của SJC, vàng miếng SBJ gần đây giao dịch đìu hiu hơn.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, hiện nhiều tiệm vàng đã dùng vàng nhẫn thay thế vàng miếng để đón đầu việc siết kinh doanh vàng miếng.

Tại các chi nhánh của Công ty Kinh doanh vàng và dịch vụ cầm đồ Mi Hồng ở khu vực quận Gò Vấp và Bình Thạnh, nhiều khách hàng chọn mua vàng nhẫn 9999 thay thế vàng miếng. Theo đó, sản phẩm vàng nhẫn 9999 được giao dịch phổ biến ở mức 3,96 triệu đồng/chỉ và bán ra ở mức 3,99 triệu đồng/chỉ (thấp hơn giá vàng miếng khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng).

Theo đại diện của công ty này, những phiên gần đây sản phẩm vàng nhẫn 9999 có trọng lượng 1 - 5 chỉ được giao dịch khá nhiều. Đặc biệt do yêu cầu của khách hàng nên ngoài các sản phẩm vàng nhẫn 9999 có trọng lượng 0,5 - 5 chỉ hiện nhiều cửa hàng kim hoàn còn nhận gia công thêm cho khách hàng sản phẩm vàng nhẫn 9999 trọng lượng lên đến một lượng với giá tương ứng.

Mua vàng miếng Phượng Hoàng PNJ - DAB tại cửa hàng PNJ trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Kim Ngân

Mua vàng miếng Phượng Hoàng PNJ - DAB tại cửa hàng PNJ trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Kim Ngân

Vẫn nghe ngóng

Các chuyên gia cho rằng, nghị định quản lý vàng chưa thể tác động liền đến thị trường. Thông tin từ Công ty SJC, tính đến 15 giờ 30 ngày 25-5, tổng số lượng vàng mua vào và bán ra đạt khoảng 2.500 lượng, trong đó, số lượng vàng bán ra nhiều hơn mua vào. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng miếng Công ty SJC, cho biết, NĐ 24 vẫn chưa tác động nhiều lắm đến thị trường vì NHNN vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nghị định. Do đó, nhà đầu tư chủ yếu vẫn nghe ngóng là chính và dừng lực bán ra vì lo ngại giá vàng thế giới sẽ quay đầu tăng trở lại.

Về việc các tiệm vàng “lách” bằng cách bán các loại vàng nhẫn thay cho vàng miếng, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, cho rằng, việc đó không có gì sai. Sở hữu vàng là một nhu cầu chính đáng của người dân. Nghị định quản lý vàng ra đời là nhằm quản lý chặt chẽ vàng miếng vì nó tác động đến chính sách tiền tệ, chính sách kinh tế vĩ mô. Vàng miếng như thế nào thì đã được quy định rõ tại NĐ 24 và chắc chắn sẽ được NHNN hướng dẫn cụ thể trong thông tư.

Ông Đỗ Minh Phú cho rằng, không thể nói việc các tiệm vàng đầu tư vào vàng nhẫn làm méo mó thị trường vì nhẫn được coi là trang sức. Hiện các loại trang sức có hàm lượng vàng cao người dân có thể vừa sử dụng nó như một món trang sức nhưng cũng để cất trữ.

Mặc dù NĐ 24 không loại bỏ tính hợp pháp của các loại vàng phi SJC nhưng thực tế, những người đang giữ vàng không phải SJC vẫn gặp nhiều thiệt thòi khi giao dịch. Về việc này, ông Đỗ Minh Phú cho rằng, mặc dù các thương hiệu vàng phi SJC có uy tín trên thị trường vẫn đảm bảo đúng hàm lượng vàng nhưng khi ra thị trường, giao dịch vàng phụ thuộc vào niềm tin của người tiêu dùng, vào đơn vị sản xuất nên tính thanh khoản của các loại vàng phi SJC không thể bằng SJC. Đó là thực tế dẫn đến sự chênh lệch chứ không phải khi có NĐ 24 mới xuất hiện sự chênh lệch này.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty PNJ lại cho rằng “Có thể xem việc giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng thế giới như thông điệp của nhà nước không khuyến khích người dân mua vàng”.

Hạnh Nhung - Mai Thi

Thời gian chuyển đổi mua bán vàng miếng là 6 tháng

Ngày 25-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 16 hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày Thông tư 16 có hiệu lực (từ 10-7-2012).

Trong thời hạn chuyển tiếp này, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng được tiếp tục thực hiện bình thường; các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục để đề nghị cấp giấy phép mới. Sau thời hạn chuyển tiếp, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua, bán vàng miếng với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép. Còn hoạt động sản xuất vàng miếng của các đơn vị đã được NHNN cấp phép thời gian qua bị chấm dứt theo đúng quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo NHNN, các loại vàng miếng gồm SJC và các nhãn hiệu khác đã được cấp phép sản xuất trước đây thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua - bán bình thường trên thị trường, nhưng sau thời hạn chuyển tiếp sẽ chỉ được mua - bán thông qua các đầu mối được cấp phép.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua - bán vàng trang sức, mỹ nghệ, thời hạn chuyển tiếp là 12 tháng; trong thời hạn này các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại, xin giấy chứng nhận đủ điều kiện tại NHNN.

M.Giang

Tin cùng chuyên mục