(SGGP).- Ngày 1-2, ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, trật tự an toàn giao thông trên toàn thành phố diễn ra tương đối bình ổn, chỉ xảy ra ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm ở một số nút giao thông như Láng Hạ - Láng, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Ngã Tư Vọng… Tại một số tuyến đường tập trung nhiều trường học như: Chùa Bộc, Thái Hà, Thái Thịnh, Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành… giao thông cũng khá thông suốt.
Phòng CSGT CA Hà Nội cũng cho biết, từ 6 giờ sáng, lực lượng CSGT đã xuất quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch, phân bổ tại tất cả 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì nhằm duy trì trật tự ATGT khi hành áp dụng lịch làm việc và học tập theo quy định mới.
Theo báo cáo nhanh từ các đội CSGT, hôm qua không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một số khu vực như quận Đống Đa và quận Hoàn Kiếm giao thông trở nên thông thoáng hơn, số lượng người và phương tiện tham gia giao thông giảm hẳn so với những ngày trước đó.
Nói về hiệu quả của việc đổi giờ học, giờ làm, các chuyên gia giao thông nhận định, đây chưa thể coi là hiệu ứng tốt của việc đổi giờ vì giao thông Hà Nội những ngày đầu năm chưa căng thẳng do lượng người lao động từ các tỉnh đổ về Hà Nội còn ít. Hết tháng giêng giao thông Hà Nội mới trở lại tình trạng thực tế, lúc đó mới có thể đánh giá được tác động.
TS Khuất Việt Hùng, Trường Đại học GTVT cho rằng giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học như hiện nay, hiệu quả nếu có cũng không đáng kể. Đây chỉ là một trong số nhiều giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Để giảm thiểu ùn tắc giao thông và kiềm chế TNGT đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành cùng với những giải pháp đồng bộ, tổng thể, thậm chí cần có một cuộc cách mạng về giao thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những xáo trộn đối với các gia đình gây không ít phiền toái, tại nhiều trường học cũng đã nảy sinh nhiều bất cập khiến phụ huynh học sinh lo ngại. Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (phố Hàm Long, quận Hai Bà Trưng) đã xảy ra tình trạng hỗn loạn giao thông trước cổng trường do bất cập đổi giờ học.
Cụ thể, nếu như trước đây, học sinh ca sáng của Trường THCS Ngô Sĩ Liên kết thúc buổi học vào lúc 11 giờ 50 thì nay thực hiện theo quy định mới về khung giờ học, giờ làm các em tan ca vào lúc 12 giờ 15. Trong khi đó, buổi chiều học sinh sẽ bắt đầu vào lớp lúc 12 giờ 30 để kịp ôn tập bài cũ và bước vào học tiết đầu tiên vào lúc 12 giờ 45. Vì vậy, với khoảng thời gian giao giữa hai ca chỉ 15 phút đã khiến cả toàn bộ khu vực phố Hàm Long, trước cổng Trường Ngô Sĩ Liên rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Mặc dù Ban giám hiệu nhà trường, thậm chí cả giáo viên, tình nguyện viên tham gia điều tiết giao thông nhưng không tránh được cảnh chen lấn giữa học sinh ca sáng ra về và học sinh ca chiều đến lớp. Tình trạng học sinh ùn ùn đi vào, đi ra cùng một cổng trường đã khiến tuyến phố Hàm Long bị ùn tắc. Để giải quyết, lãnh đạo Trường THCS Ngô Sĩ Liên phải yêu cầu học sinh ca chiều đứng xếp hàng hai bên cổng trường, chờ học sinh ca sáng ra hết mới được vào trường.
Ngày 1-2, Bộ GD-ĐT thông báo duy trì giờ làm việc cụ thể từ ngày 1-2-2012 là: buổi sáng, từ 8 giờ đến 12 giờ; buổi chiều, từ 13 giờ đến 17 giờ.
B.QUYÊN - PH.THẢO
- Thông tin liên quan:
>> Ngày 1-2, Hà Nội điều chỉnh giờ học ở 12 quận, huyện: Chờ... kết quả