Ngày đầu tiên kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII - Nhiều giải pháp cho các vấn đề bức xúc

* Hôm nay, lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND TP bầu Ngày 9-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII đã khai mạc. Các đại biểu đã nghe UBND TPHCM báo cáo 10 tờ trình, bao gồm: điều chỉnh tăng mức thu phí tại trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc; đề xuất một số mức chi cụ thể cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn TP; đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TP; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP; đề nghị công nhận xã Thạnh An huyện Cần Giờ là xã đảo; lựa chọn nhà đầu tư “khu đất vàng” đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp; chính sách thu hút cán bộ viên chức y tế dự phòng; kế hoạch biên chế công chức, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; báo cáo quyết toán ngân sách TP
Ngày đầu tiên kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII - Nhiều giải pháp cho các vấn đề bức xúc

* Hôm nay, lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND TP bầu

Ngày 9-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII đã khai mạc. Các đại biểu đã nghe UBND TPHCM báo cáo 10 tờ trình, bao gồm: điều chỉnh tăng mức thu phí tại trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc; đề xuất một số mức chi cụ thể cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn TP; đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TP; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP; đề nghị công nhận xã Thạnh An huyện Cần Giờ là xã đảo; lựa chọn nhà đầu tư “khu đất vàng” đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp; chính sách thu hút cán bộ viên chức y tế dự phòng; kế hoạch biên chế công chức, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; báo cáo quyết toán ngân sách TP năm 2013, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2014 và dự toán thu chi ngân sách năm 2015.

Kinh tế - còn nhiều điểm cần nỗ lực

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận nhận định có chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá, thu chi ngân sách đạt và vượt kế hoạch, các chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm nay ước đạt gần 879.000 tỷ đồng, tăng 9,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 26 tỷ USD, tăng 0,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 245.900 tỷ đồng, hơn 108% dự toán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm tăng khoảng 3% (giảm 2,2% so với cùng kỳ) góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cũng nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn bộc lộ một số yếu kém. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm, thiếu vững chắc, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn. Hoạt động xuất khẩu có tăng trưởng nhưng phần lớn mặt hàng xuất khẩu là gia công, giá trị gia tăng không cao, thiếu sản phẩm chiến lược. 

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng cử tri TP tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Chiều cùng ngày, các ĐB HĐND TP đã thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội TP. Các ĐB đánh giá cao những thành quả về kinh tế xã hội mà TP đạt được trong năm. Trong khó khăn nhưng TP vẫn tiếp tục giữ vững đầu tàu kinh tế xã hội của cả nước; kinh tế - xã hội TP đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, theo ĐB Văn Đức Mười, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP chậm lại, chưa có sự đột phá. Nhìn ở góc độ của một doanh nghiệp, ĐB Mười cho rằng sức mua có ì lại. Chuẩn bị tết đến nhưng nhu cầu mua sắm của người dân không cao vì cộng đồng xã hội quen với sự tiêu dùng dè xẻn. “Nếu không có cú hích từ chính sách vĩ mô thì sức mua cũng sẽ đều đều, điều này chưa hẳn đã tốt”, ĐB Mười nói. Nhiều ý kiến cũng cho rằng báo cáo của UBND TP còn nặng về số liệu đã thực hiện, chưa dự báo được những cơ hội, khó khăn, thách thức trong năm 2015 để có giải pháp sát với tình hình. Riêng đánh giá về 6 chương trình đột phá của TP chưa thể hiện được số liệu mang tính định lượng, chỉ đánh giá mang tính định tính do vậy cần làm rõ kết quả đạt được bằng số liệu cụ thể. ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ đề nghị TP phải xác lập chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch để các ngành, các cấp dồn sức thực hiện. Trong năm 2015 tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, do vậy ĐB đề xuất TP tiếp tục thực hiện các chính sách cho DN vừa và nhỏ, cần có sự nghiên cứu trợ lực hợp lý, đủ mạnh để những DN này đủ mạnh “sống” được trong nền kinh tế hội nhập.

     
     
 

"Công tác chống tham nhũng còn hạn chế. Báo cáo nêu trong năm 2014 có 5 trường hợp CB-CC nộp lại quà tặng với tổng giá trị 4,8 triệu đồng. Cả thành phố chỉ có chừng này trường hợp? Đánh giá rằng tham nhũng năm nay ít hơn năm trước là chưa sâu, chưa thuyết phục bởi tham nhũng vẫn còn là tệ nạn nhức nhối"

ĐB Trần Thanh Châu

 
     

Bàn về cải cách hành chính (CCHC), ĐB Văn Đức Mười cho rằng, việc đánh giá CCHC của UBND TP cần cụ thể sự thỏa mãn của người dân và doanh nghiệp như thế nào về nền hành chính hiện nay, tránh đưa ra nhận định chung chung, hình thức. Nhìn hoạt động CCHC từ ngành thuế, ĐB Tô Thị Bích Châu thẳng thắn: “CCHC có rút ngắn được thời gian nộp thuế nhưng CCHC trong ngành thuế đã đi tới đâu? Tôi chưa nghe doanh nghiệp nào khen ngành thuế. DN nghe đến thuế còn sợ lắm. Tôi thấy lo về thực tế này”. ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ phản ánh: Ngay như việc ứng dụng CNTT trong CCHC, giai đoạn đầu TP có đẩy mạnh nhưng đến giờ thì không đồng bộ, không liên thông giữa các cấp, các ngành. Ông đề nghị tìm cách khai thác hợp lý, hiệu quả từ việc ứng dụng CNTT này.

Nỗi lo về tội phạm và ngập nước

“Tình hình phạm pháp về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm gây bức xúc cho cử tri, nhưng báo cáo của UBND TP lại nêu rất ít, chưa thấy nói có vụ nào bị khởi tố, truy tố xử lý nghiêm. Qua số liệu trong báo cáo cho thấy hiệu quả công tác chống phạm pháp về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Tôi cho rằng cần đánh giá sâu hơn”, ĐB Trần Thanh Châu nêu vấn đề. ĐB Nguyễn Tấn Tài không yên tâm khi tình hình phạm pháp hình sự vẫn còn diễn ra, trong đó có nhiều vụ liên quan đến người nghiện ma túy, khiến người dân hoang mang khi ra đường, đến nơi công cộng.

Hiệu quả chương trình chống ngập nước chưa tốt dù TP đầu tư cho chương trình này rất nhiều, tình trạng ngập nước xảy ra ngày càng sâu và càng nhiều cũng là vấn đề được nhiều ĐB đưa ra thảo luận. ĐB Lê Minh Đức nêu thêm một số dự án thoát nước đô thị ở quận ông đang sống ảnh hưởng đến đời sống người dân và đề nghị trong năm 2015 TP phải quyết liệt chống ngập. Đại diện Trung tâm Chống ngập TP cũng thừa nhận dù đặt ra chỉ tiêu trong năm 2014 sẽ xóa được 6 điểm ngập, nhưng đến giờ chỉ xóa được 2 điểm. Bên cạnh đó, từ việc không đạt chỉ tiêu về cấp nước sạch trên địa bàn thành phố năm 2014, ĐB Trần Thanh Châu đề nghị cần giám sát vấn đề cấp nước sạch vì người dân quan tâm.

Đại biểu Võ Văn Sen phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Liên quan đến hoạt động trợ giá xe buýt, ĐB Võ Văn Sen suy tính: năm 2014, TP bù lỗ cho xe buýt 1.270 tỷ đồng, ước trong năm vận chuyển 593 triệu lượt khách, so với năm 2013 vận chuyển 624 triệu lượt khách. “Đầu tư lớn nhưng lượng khách vận chuyển giảm đi. TP cần tổng rà soát lại tiền bù lỗ, đặc biệt là với các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân để có chính sách đúng hơn. Hỗ trợ phải tính toán đến hiệu quả. Ngành GTVT làm như thế này là không hiệu quả”, ĐB Sen bức xúc. Nhìn ở góc độ khác về vấn đề này, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng, theo báo cáo trong năm 2014, qua kiểm tra TP đã tiết kiệm được 24 tỷ đồng bù lỗ xe buýt. “Vậy các năm trước có kiểm tra hoạt động này không? Tôi thấy bất an. Việc chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong lĩnh vực này theo tôi còn hạn chế”, ĐB Bích Châu nói.

Kỳ họp lần này chưa xem xét thông qua bảng giá đất như dự kiến. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết Thường trực HĐND TP đã thống nhất bảng giá đất của TP sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề vào ngày 30-12-2014, công bố vào ngày 1-1-2015 đúng theo quy định.

Hôm nay 10-12, HĐND TPHCM sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND TP bầu, kết quả lấy phiếu sẽ được công bố vào cuối ngày.

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Võ Thị Dung bày tỏ sự thống nhất với báo cáo kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 UBND TP đã trình. Theo Chủ tịch Võ Thị Dung, đa số ý kiến cử tri và nhân dân cho rằng sự năng động, nỗ lực lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền và đóng góp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân TP đã mang lại kết quả duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh có nâng lên. Cùng với các kiến nghị của cử tri và nhân dân, UBMTTQ Việt Nam TPHCM kiến nghị HĐND - UBND TP quan tâm một số vấn đề. Cụ thể: các ĐB quan tâm rà soát lại chương trình hành động khi ứng cử đã hứa với cử tri để thực hiện đầy đủ, trọn vẹn; tăng cường phối hợp giữa ĐB HĐND với ĐB Quốc hội để giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri qua các lần tiếp xúc, không phụ lòng kỳ vọng của cử tri và nhân dân TP; các ĐB lắng nghe thấu đáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để có quyết định sáng suốt, công tâm, khách quan việc bày tỏ tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn, thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân TP.

VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục