Ngày tết ấm áp

Trong những ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi đã gặp, lắng nghe những lời chia sẻ, tâm tình của nhiều người dân TPHCM. Nhiều người cảm nhận đã có một cái tết ấm áp.
Ngày tết ấm áp

Trong những ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi đã gặp, lắng nghe những lời chia sẻ, tâm tình của nhiều người dân TPHCM. Nhiều người cảm nhận đã có một cái tết ấm áp.

Những quầy hàng rong đơn sơ nhưng giúp người lao động thu nhập cao trong những ngày tết


Hơi ấm trong đêm giao thừa

 Anh Nguyễn Tuyến (giám đốc một công ty ở quận 10) kể: “Sau khi cúng giao thừa, tôi vội vàng xếp bánh chưng, bánh giầy, giò chả… vào bao và hộp, cột lên 2 xe máy. Rồi vợ chồng tôi và hai con xuất hành từ nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, đi dọc theo Lạc Long Quân, rồi Âu Cơ, cầu Rạch Ông Buông qua đến Phú Lâm… Cứ đi, thấy có những người vô gia cư nằm vỉa hè đón tết là tấp xe vào tặng quà. Tội lắm, nhiều cảnh đời thấy mà rớt nước mắt. Trời lạnh, có những người co ro trong tấm chăn rách không đủ ấm, đôi chân nhét vào thùng giấy để chống lại cái lạnh và quên đi giao thừa đang lặng lẽ đi qua. Ở cầu Rạch Ông Buông, tôi nhìn thấy một bà mẹ ôm chặt đứa con vào lòng để chống chọi với cái lạnh. Được gửi chút quà nhỏ giúp người nghèo đón tết, chính chúng tôi cũng thấy ấm lòng”. Đúng như lời anh Tuyến kể, trong tối giao thừa chúng tôi cũng đã gặp nhiều người dân TPHCM tự nguyện đi làm từ thiện, thiết thực chăm lo cho những người vô gia cư như vậy, tặng gạo, bánh và lì xì tiền. Ở thành phố nghĩa tình này, ngày thường đã có dĩa cơm Nụ cười 2.000 đồng, có thùng trà đá miễn phí, tủ thuốc miễn phí…, ngày tết lại có thêm thùng bánh mì từ thiện, có “gạo tết phát miễn phí mỗi người một bịch”...

Nét đẹp thành phố không chỉ là việc từ thiện, còn có những hành động vì cộng đồng. Tối 29 Tết, hàng vạn người dân đổ về trung tâm TP xem Đường hoa và đón giao thừa đã khá bất ngờ khi thấy nhiều bạn trẻ cầm khẩu hiệu “Xin đừng xả rác”. Đó là một việc làm đầy ý nghĩa để TPHCM ngày càng văn minh. Chị Ngọc Thảo (nhà ở phường 6, Bình Thạnh) phản ánh: “Năm nay ở xóm tôi đỡ lắm, không có tệ cờ bạc, mà ăn nhậu cũng giảm”. Anh Nguyễn Cường (nhà ở phường 4, quận Phú Nhuận) cũng nhận xét như vậy: “Những tết các năm trước, xóm tôi nhiều nhà tổ chức ăn nhậu, hát hò tận đêm. Năm nay cũng có nhưng đỡ hẳn, không ăn nhậu gây ồn ào hàng xóm…”.

Những người đón tết muộn

Đến mùng 5, khi những ngày Tết Nguyên đán qua đi, hàng ngàn người lao động không về quê, bám trụ TPHCM kiếm sống dịp tết mới thư thả ăn tết. Khuya  mùng 4, vợ chồng anh Trần Dương Minh (quê Quảng Ngãi) bán bóng bay ở cổng hầm vượt sông Sài Gòn (đường Mai Chí Thọ, quận 2) mới quyết định nghỉ ngơi sau một mùa tết tất bật buôn bán. Cầm mảnh giấy ghi số bóng bay lấy vào và kiểm lại số tiền thu được, anh Minh tươi tỉnh khoe với chúng tôi rằng năm nay lời 7,4 triệu đồng. Anh Minh có nghề bán bóng bay 9 năm nay, đắt khách nhất là vào những dịp lễ tết, nên tết nào gia đình anh cũng đều ở lại TPHCM tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Anh Minh vui vẻ kể. “Những ngày tết, tụi nhỏ ở nhà tự trông nhau, thức ăn vợ chồng tôi nấu từ sáng để các con ăn cả ngày. Trung bình mỗi ngày tết vợ chồng tôi bán được khoảng 200 - 300 bóng bay, chỉ 5 ngày tết mà thu nhập bằng 2 tháng bình thường. Dù nhớ lắm không khí tết nơi quê nhà, nhưng chúng tôi vẫn ở lại TPHCM tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Tất bật mà vui”.

Cách điểm bán của vợ chồng anh Minh không xa, anh Bùi Văn Duy (quê Bạc Liêu) bán trứng gà nướng và bắp xào. Anh Duy cũng quyết định mùng 5 mới nghỉ tết để đưa vợ con về quê. Đều đặn 12 năm nay, kể từ khi rời quê lên TPHCM kiếm sống, gia đình anh Duy không ăn tết, mà là làm tết. Anh Duy tâm sự: “Năm nào cũng gần hết tết tôi mới nghỉ để đưa tụi nhỏ về quê chơi với ông bà. Ông bà cũng hay đợi con cháu về rồi mới đón tết, thành ra cả nhà đều đón tết muộn”.

Sáng mùng 5, những phụ nữ trong xóm trọ cá viên chiên trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) mới rủ nhau đi sắm tết. Lỉnh kỉnh trên tay nào bánh kẹo, thịt, rau, gạo nếp, đậu xanh… và cả xấp bao lì xì đỏ, chị Nguyễn Mai Thanh (quê Thanh Hóa) cho biết: “Giờ này chúng tôi mới mua các thứ về đón tết, hơn tuần nay cả xóm trọ tranh thủ đi bán từ sáng đến nửa đêm mới về, nên không có thời gian bày biện, nấu nướng. Thôi cũng vì cơm áo gạo tiền, mình đón tết sau mọi người một chút, để cũng có chút không khí tết cho tụi nhỏ vui”. Chị Thanh nhẩm tính, cũng đã ngót 10 cái tết, xóm trọ của chị đón tết trễ như vậy. Niềm vui bữa tiệc liên hoan đón xuân muộn của xóm trọ là những câu chuyện vui họ lượm lặt được trong những chặng đường rong ruổi đi bán hoặc khoe nhau thu nhập trong mấy ngày vừa qua. Với họ, một cuộc sống bớt lo toan là vui, là hạnh phúc, là có tết ấm áp rồi.

THƯ LÊ - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục