Ngày tết, đến thăm phường văn hóa

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã rất xúc động khi trở lại thăm phường 11 (quận 10, TPHCM), nơi bà đảm nhận vai trò bí thư phường đầu tiên sau ngày giải phóng (lúc bấy giờ còn tên gọi là phường Phan Thanh Giản).
Ngày tết, đến thăm phường văn hóa

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã rất xúc động khi trở lại thăm phường 11 (quận 10, TPHCM), nơi bà đảm nhận vai trò bí thư phường đầu tiên sau ngày giải phóng (lúc bấy giờ còn tên gọi là phường Phan Thanh Giản).

Bà Trương Mỹ Hoa bồi hồi nhớ lại: “Sau 11 năm bị cầm tù, vừa trở về đất liền, tôi được tổ chức phân công làm bí thư phường này. Lúc ấy, trừ một số cô chú ở miền Bắc vào, chúng tôi hoàn toàn không biết việc quản lý chính quyền ra sao. Vậy là vừa làm, vừa học với lòng hăng say công tác”.

Chính quyền mà bà Trương Mỹ Hoa nhắc đến là chính quyền 4 cấp: thành phố, quận, phường, khóm. Quận 10 khi ấy có 5 phường. Quận ủy tăng cường 5 quận ủy viên (phần lớn là các cô chú vừa đi tù về) về phường để xây dựng chính quyền cách mạng. Phường Phan Thanh Giản lúc đó có 7 khóm, nhưng chỉ có 9 đảng viên.

Đối với bà Trương Mỹ Hoa, việc về nhận công tác ở phường này như một sự trở về. Bởi lẽ, bà đã có một thời gian dài hoạt động bí mật tại đây. Các cơ sở cách mạng bà thuộc làu làu. Vừa về phường bà liền đến nhà bà Út Em, người đã nuôi giấu bà suốt thời gian hoạt động và ở trong tù. Trong ngổn ngang công việc sau ngày giải phóng, chi bộ Đảng được chính quyền cách mạng gấp rút triển khai. Các khóm từng bước xây dựng chi bộ và phát triển thêm đảng viên.

Bà Trương Mỹ Hoa cho biết: “Lúc bấy giờ, nếu không có các cơ sở quần chúng tốt, cảm tình với cách mạng thì chúng tôi không thể nào nắm bắt được tình hình và hoàn thành công việc của mình. Các sự kiện như: đổi tiền hay triệt phá tổ chức chống phá chính quyền cách mạng non trẻ ở nhà thờ Vinh Sơn… đều được chúng tôi kịp thời nắm tình hình và cung cấp các nguồn tin có giá trị cho cơ quan chức năng. Đảng viên khi ấy rất mỏng, chúng tôi phải gầy dựng và trân trọng từng hạt giống của các phong trào. Giữa năm 1976, tổ chức rút tôi về quận. Khi đó, phường Phan Thanh Giản đã cơ bản xây dựng được bộ máy chính quyền ổn định; có đủ chi bộ và phát triển thêm một số đảng viên mới”.

Hẻm 528 Điện Biên Phủ khang trang, sạch sẽ trong những ngày Tết Nguyên đán.

Hẻm 528 Điện Biên Phủ khang trang, sạch sẽ trong những ngày Tết Nguyên đán.

Sau gần 40 năm xây dựng, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân phường 11, quận 10 đã đạt nhiều thành tựu rất khả quan. Đến nay, phường 11 không còn hộ nghèo và 6 năm liên tục đạt chuẩn Phường văn hóa. Phong trào xã hội hóa phát triển sâu rộng. Người dân tình nguyện hiến đất làm đường, mở rộng hẻm. Đường sá đã khang trang, các con hẻm lầy lội đã được bê tông hóa và khá thoáng đãng. Bà Trương Mỹ Hoa bồi hồi nhớ lại: “Hôm nay đổi thay nhiều quá.

Về thăm phường 11, nơi đầu tiên tôi công tác sau ngày nước nhà thống nhất, tôi rất cảm động và tự hào với sự đổi thay này. Khi đó, phường có 35.000 dân và Quận ủy liên tục chỉ đạo chúng tôi không được để cho dân đói. Nay, với với đà phát triển thế này, tôi tin tưởng rằng Đảng ủy và chính quyền phường 11 quận 10 đang hết lòng lo cho dân được ăn ngon, mặc đẹp”.

Chăm lo đời sống nhân dân luôn là nỗi lo canh cánh bao năm qua của phường 11 nói riêng và quận 10 nói chung. Song song với công tác xây dựng Đảng, chính quyền đã tập trung rất nhiều cho công tác xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững.

Ông Vũ Anh Khoa, Ủy viên thường vụ Quận ủy, Bí thư Đảng ủy phường 11, cho biết: “Xóa đói, giảm nghèo là một trong các công tác trọng tâm của Đảng ủy phường 11. Để thật căn cơ và bền vững, chúng tôi đã vận dụng việc giúp cho người nghèo cả “cần câu” và “con cá”. Cụ thể, như hỗ trợ kinh phí hay tín chấp để người nghèo được vay vốn kinh doanh, học ngành nghề mà họ yêu thích; rồi giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp, trung tâm thương mại… trên địa bàn phường… tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống. Chính nhờ tập trung như vậy, phường đã thoát nghèo bền vững”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục