Diễn biến của cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính Mỹ và thế giới những ngày này không khỏi làm người ta nhớ lại và so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất diễn ra cách đây 79 năm, được đánh dấu bởi ngày thứ Ba đen tối 29-10…
Không dấu hiệu báo trước
Không gì báo hiệu rằng 1929 sẽ là một năm ảm đạm. Trong bài diễn văn cuối cùng trước khi mãn nhiệm, ngưới đứng đầu Nhà Trắng lúc bấy giờ Calvin Coolidge nói: “Tôi đánh giá hiện tại với sự hài lòng và nhìn tương lai với sự lạc quan”. Một tháng trước đó, ứng cử viên Herbert Hoover, cũng thuộc đảng Cộng hòa, đã trúng cử tổng thống.
Rất nhiều người trách cứ các ông Coolidge và Hoover là đã không nhìn thấy điều đang xảy đến. Trên thực tế, trong những năm 1920, nước Mỹ giàu lên trông thấy. Lấy ví dụ ngành xe hơi, năm 1926, nước Mỹ chế tạo được 4,3 triệu chiếc; năm 1929 con số này là 5,3 triệu.
Kinh tế tăng trưởng nuôi dưỡng lòng tin tưởng. Đồng thời cũng là chất men gây nên cơn sốt đầu cơ. Năm 1927 có 577 triệu cổ phiếu được “sang tay” ở thị trường chứng khoán New York; năm 1928, 920 triệu. Cùng trong thời gian này, mệnh giá các loại cổ phiếu tăng như tên bắn. Riêng trong mùa hè 1929, giá một số loại cổ phiếu tăng tới 25%.
Cổ phiếu thi nhau tăng giá tới mức dường như không gì có thể đảo ngược được xu thế. Dẫu vậy, tháng 9, thị trường bắt đầu có biểu hiện “hụt hơi”. Việc Clarence Harty, doanh nhân người Anh, bị phá sản đã là sự kiện “châm ngòi”. Tất cả sụp đổ trong ngày 24-10.
Trong ngày thứ Năm ấy, 6 triệu cổ phiếu bị rao bán, là điều chưa từng thấy. Giá giảm liên tục suốt buổi sáng. Người ta kinh hoàng đổ dồn tới Wall Street. Tới trưa đã có 11 vụ tự tử. Tại trụ sở Ngân hàng J.P. Morgan đối diện tòa nhà thị trường chứng khoán, nửa tá lãnh đạo các ngân hàng lớn họp gấp, quyết định cứu vãn thị trường bằng việc mua lại một số lượng lớn các cổ phiếu chiến lược. Việc làm này có hiệu quả tức thì.
Vào cuối ngày, một số cổ phiếu thậm chí còn tăng giá so với ngày hôm trước. Nhưng cũng chẳng được bao lâu. Niềm tin của cổ đông đã bị “khai tử”. Mặc cho các công ty kinh doanh chứng khoán ra sức thuyết phục mọi người rằng đây đang là thời điểm tốt nhất để mua vào.
Thứ Hai 28-10, 9 triệu cổ phiếu bị “tống” ra. Thứ Ba 29-10, 16 triệu cổ phiếu. Ngày này đã đi vào lịch sử với cái tên “Ngày thứ Ba đen tối”. Lần này, các ngân hàng không can thiệp nữa. Chẳng còn gì ngăn được cơn thoái trào. Giữa tháng 11, chỉ số Dow Jones mất 51% số điểm so với hồi tháng 9. Các cổ phiếu theo nhau rớt giá liên tục trong suốt 3 năm tiếp đó…
Trái bóng căng hơi nổ tung
Đại suy thoái 1929 cũng chính là sự bùng nổ của trái bóng đầu cơ đã quá căng hơi. “Trái bóng” này được tạo nên phần lớn do các khoản tín dụng cho vay theo ngày (call loan), có cơ cấu vận hành rất đơn giản: Người mua chỉ phải trả một phần giá trị của cổ phiếu mà anh ta mua (đôi khi chỉ 10%), phần còn lại được công ty kinh doanh chứng khoán “vay giùm” ở ngân hàng.
“Call loan” quả là một công cụ tuyệt vời để khuyến khích sự đầu cơ, mở cửa thị trường chứng khoán cho cả những người khiêm tốn nhất. Năm 1929, cứ 100 người Mỹ thì có 1 người tham gia thị trường chứng khoán. Thế mà hệ thống này vốn không thể “đứng” được nếu cổ phiếu xuống giá.
Khi giá một loại cổ phiếu bị giảm, công ty kinh doanh chứng khoán yêu cầu khách hàng của mình trả thêm một khoản tiền để “bồi thường” phần giảm này. Nếu người mua không trả được, cổ phiếu của anh ta bị đẩy ra thị trường. Đó là điều đã xảy ra vào mùa thu năm 1929 ở Wall Street. Các công ty kinh doanh chứng khoán nôn nóng thanh toán các cổ phiếu như thế. Thường là với giá hạ, tức bị lỗ. Còn khách hàng của họ thì phá sản.
Bắt đầu cái vòng xoáy nghiệt ngã. Sự phá sản của các công ty kinh doanh chứng khoán đẩy các nhà băng - vốn là chủ nợ, lâm vào cảnh lụn bại. Từ 1929 tới 1931 có 4.300 ngân hàng phải đóng cửa. Hàng triệu người mất trắng khoản tiền bao lâu dành dụm được của họ chỉ trong một ngày.
Sức mua giảm, nhu cầu giảm, khiến cho hoạt động của các ngành sản xuất kinh tế cũng đình trệ. 4 triệu người Mỹ thất nghiệp trong năm 1930, 8 triệu năm 1931, 12 triệu năm 1932. Mức độ sâu rộng trên đất Mỹ không chỉ là đặc điểm duy nhất của cuộc khủng hoảng này, mà chính là ảnh hưởng không thể lường hết của nó đối với phần còn lại của thế giới.
Khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế
Trong thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, nước Mỹ trở thành chủ nợ của nhiều nước khác trên thế giới. Khi nước Mỹ “hồi hương” tiền cho mượn, nhiều ngân hàng lớn ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức và Áo, bị phá sản. Kinh tế thế giới suy thoái bắt đầu từ những năm 1930-1931 do “hiệu ứng domino” của cuộc khủng hoảng ở Wall Street.
Với 2 hệ lụy: Thứ nhất, từ bỏ vàng như là vật bảo chứng của tiền tệ, làm suy yếu hệ thống tiền tệ thế giới; thứ hai, sản xuất công nghiệp suy giảm làm cho các hoạt động trao đổi kinh tế trên thế giới giảm theo. Nhiều nước công nghiệp áp dụng chính sách bảo hộ như tăng mức thuế quan, định cô ta… Tháng 4-1929, 75 nước trên thế giới nhập khẩu 3 tỷ USD hàng hóa; bốn năm sau, con số này chỉ còn 1 tỷ, giảm 69%.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách bảo hộ này là sự khác biệt đầu tiên của cuộc khủng hoảng năm 1929 so với cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay. Khác biệt lớn thứ hai nằm ở vai trò của chính phủ các nước trong việc giải quyết khủng hoảng. Vào năm 1929, nhà nước hoàn toàn không đủ khả năng “bơm” một lượng tiền mặt lớn vào hệ thống tài chính khi nó bị đe dọa sụp đổ.
Tổng thống Roosevelt đứng đầu một chính phủ liên bang mà “trọng lượng” chỉ bằng 10% GDP toàn nước Mỹ. Chính phủ hiện nay “trị giá” tới 40% GDP, có thể can thiệp dễ dàng hơn rất nhiều. Việc quốc hữu hóa một thể chế tài chính lớn như AIG vừa qua là điều khó lòng xảy ra vào năm 1929. Dù thế nào, nhà nước (Mỹ) cũng có phần trách nhiệm trong chuyện này khi để cho các doanh nghiệp tài chính “phá rào”, kẻ đầu cơ phải bị nghiêm trị đồng thời hệ thống tài chính cũng phải được “giải cứu” … .
Theo dòng diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại: |
NGUYỄN VŨ (theo Le Monde)