Ngày thứ bảy nhân ái

Đều đặn hai tuần một lần, vào chiều thứ bảy, các bạn trẻ của Câu lạc bộ Nhân ái (CLB) lại lên đường, đi khắp TPHCM. Hành trang của họ là những hộp cơm chay trao tặng người nghèo.
Ngày thứ bảy nhân ái

Đều đặn hai tuần một lần, vào chiều thứ bảy, các bạn trẻ của Câu lạc bộ Nhân ái (CLB) lại lên đường, đi khắp TPHCM. Hành trang của họ là những hộp cơm chay trao tặng người nghèo.

Một chiều thứ bảy giữa tháng ba, tại Công viên Lê Thị Riêng, 40 bạn trẻ phân nhau các phần cơm chay được mang đến từ Thủ Đức. Sau đó, họ chia thành từng nhóm rồi tản ra nhiều con đường. Có nhóm đi bộ, nhóm đi xe máy tìm gặp các cụ già bán vé số, trẻ em lang thang, cô bán ve chai… và trao tặng họ phần cơm chiều. Đây là hoạt động “Thứ bảy nhân ái” được CLB tổ chức từ tháng 11-2011 đến nay.

Bạn Hoàng Anh Tuấn (giữa) trao suất cơm chay cho cụ Nguyễn Văn Thắng vào chiều 17-3-2012.

Bạn Hoàng Anh Tuấn (giữa) trao suất cơm chay cho cụ Nguyễn Văn Thắng vào chiều 17-3-2012.

Lê Thị Tường Vi, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, chủ nhiệm dự án cho biết: “Nếu chỉ phát cơm ở một địa điểm như bệnh viện chẳng hạn sẽ bó hẹp phạm vi và có những người bình thường vẫn nhận cơm. Chúng tôi muốn tìm đến những người nghèo khổ thực sự trong khắp thành phố này để giúp họ phần cơm nhỏ”.

Vi cho biết thêm, do không có thời gian rảnh vì tất cả các bạn trong nhóm còn đi học nên CLB chọn thứ bảy làm ngày nhân ái để nhiều bạn trẻ có điều kiện tham gia. Trước khi tiến hành, nhóm sẽ đi khảo sát từng khu vực để chọn và thống nhất kế hoạch ngày thứ bảy sẽ đi đâu. Sau đó, CLB huy động từ các quán cơm, nhà hảo tâm để có nguồn cơm chay hỗ trợ người nghèo, cơ nhỡ, khó khăn. Mỗi lần CLB huy động 200 suất cơm để thực hiện chương trình.

Đang chạy xe trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, thấy một cụ ông đang khó nhọc xách hai bao ve chai, Hoàng Anh Tuấn, sinh viên năm 2 Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM liền dừng xe, ân cần hỏi: “Ông ơi, ông đã ăn tối chưa ông?”. Rồi tặng ông hộp cơm. Cầm trong tay hộp cơm, cụ ông Nguyễn Văn Thắng, 70 tuổi, xúc động cho biết từ trưa đến giờ đi nhặt ve chai vẫn chưa ăn miếng cơm nào, giờ nhận được cơm của các cháu, ông rất cám ơn tấm lòng các cháu.

Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Mặc dù trước khi đi phát cơm, chúng tôi đều chia sẵn khu vực nhưng thường phải đi xa hơn, do muốn trao phần cơm cho người thật sự cần nó. Chúng tôi hay đi vào mấy ngõ sâu, gầm cầu, dọc các con kênh để tìm ra các mảnh đời đáng thương”. Mỗi lần đi phát cơm, do chia thành nhóm đi nhiều nơi nên Tuấn và các bạn chỉ có được 8 – 10 suất cơm. Nhưng, để trao hết số cơm ít ỏi này đến tận tay người cần thật sự, mỗi nhóm bạn phải lặn lội từng ngõ ngách, góc phố… có khi đến tận tối mịt mới xong. Dù có hơi mệt, nhưng các bạn đều rất vui khi nghĩ việc làm ý nghĩa của CLB là giúp được chút gì cho những mảnh đời còn thiếu áo cơm, “một miếng khi đói bằng gói khi no”!

Sau khi phát hết cơm, các thành viên CLB lại tập trung về Công viên Lê Thị Riêng giao lưu với nhau. “Ngày thứ bảy, sau giờ học mình thường ở nhà, chẳng biết đi đâu. Nay có hoạt động của CLB, mình liền đăng ký tham gia. Khi tặng cơm một cụ bán vé số, nghe cụ nói “mô Phật, các cháu tốt bụng quá”, mình thấy rất hạnh phúc”, Phạm Thị Cẩm Phú, sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan chia sẻ với các thành viên về lần đầu khi tham gia CLB.

Và rồi tiếng lành đồn xa, mỗi lần “Thứ bảy nhân ái” diễn ra, CLB lại tiếp nhận thêm thành viên mới. Họ là sinh viên ở khắp nơi, có nhóm bạn đi xe buýt từ Thủ Đức lên, rồi đi bộ cả mấy cây số để phát cơm. Lê Thị Tường Vi cho biết khi CLB phát triển thêm nhiều thành viên mới, các bạn sẽ lên kế hoạch vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm để có được nhiều phần cơm giúp đỡ người nghèo.

Việc làm thiết thực của các bạn sinh viên trong CLB Nhân ái là hết sức ý nghĩa. Đó không chỉ là sự gắn kết lòng yêu thương con người của các bạn trẻ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, mà còn là hành trang lớn để mai sau các bạn mang theo vào đời, cống hiến sức trẻ cho đất nước, quê hương…  

TRẦN NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục