Nghề giáo, một năm nhìn lại

Năm học 2011-2012 sắp kết thúc cũng là lúc các thầy cô giáo có dịp nhìn lại thành quả của mình sau một năm vất vả vun trồng. Đặc biệt đối với những người làm công tác giáo viên chủ nhiệm, phần thưởng lớn nhất không phải là giải thưởng, thành tích mà là sự trưởng thành, đỗ đạt của học sinh. Để rồi sau mỗi năm học, hành trang của mỗi người lại dày hơn những câu chuyện kể về học trò…
Nghề giáo, một năm nhìn lại

Năm học 2011-2012 sắp kết thúc cũng là lúc các thầy cô giáo có dịp nhìn lại thành quả của mình sau một năm vất vả vun trồng. Đặc biệt đối với những người làm công tác giáo viên chủ nhiệm, phần thưởng lớn nhất không phải là giải thưởng, thành tích mà là sự trưởng thành, đỗ đạt của học sinh. Để rồi sau mỗi năm học, hành trang của mỗi người lại dày hơn những câu chuyện kể về học trò…

  • Niềm vui cảm hóa

Điều mà thầy Nguyễn Quốc Hùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 11CE1, Trường THPT công lập Nguyễn Khuyến (quận 10) tự hào sau khi kết thúc năm học không phải là thành tích lớp có bao nhiêu học sinh khá, giỏi mà là kỷ niệm về một cậu học trò nổi tiếng cá biệt trong lớp. Em Nhật Tân, được liệt vào hàng “bất hảo” đối với hầu hết giáo viên bộ môn của lớp.

“Gặp tôi, đồng nghiệp nào cũng phàn nàn em không chịu chép bài trong lớp, nói chuyện thiếu dạ thưa, luôn tỏ vẻ bất cần và là người cầm đầu trong mọi trò nghịch ngợm”, thầy Hùng chia sẻ. Tuy nhiên, thay vì phê bình hay định kiến đối với em, thầy lại cất công tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để có cái nhìn cảm thông hơn về những biểu hiện bất thường của cậu học trò nhỏ. Sau khi xác định nguyên nhân khiến em mất phương hướng trong học tập, thầy đã chủ động tiếp cận, khuyên nhủ, vạch ra từng mục tiêu cụ thể cho em thực hiện như phấn đấu trong vòng một tuần không bị ghi tên vào sổ đầu bài, một tháng không bị giáo viên bộ môn nào phê bình, nhắc nhở.

Riêng đối với bộ môn Toán do chính mình giảng dạy, lần đầu thấy em giơ tay phát biểu, thầy mừng như bắt được vàng. Song, trước câu trả lời “không biết làm” thành thật của em, thay vì giận dữ yêu cầu ngồi xuống, thầy vẫn gọi em lên bảng, nhờ một bạn khác trong lớp đọc công thức giúp em giải toán. Một lần, hai lần rồi ba lần như thế, dần dà không cần nhờ bạn trợ giúp, em đã tự mình làm được các bài toán. “Qua đó cho thấy học lực kém không phải vì các em không có khả năng mà do thiếu sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời của thầy cô giáo.

Đặc biệt đối với học sinh cá biệt, người thầy phải chủ động tiếp xúc, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, kiên nhẫn khơi dậy từng tia sáng tiến bộ nhỏ nhất của các em bằng tất cả lòng yêu thương…”, thầy Hùng đúc kết.

Nhờ sự dạy dỗ của thầy cô, nhiều học sinh đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: MAI HẢI

Nhờ sự dạy dỗ của thầy cô, nhiều học sinh đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: MAI HẢI

Đồng quan điểm, cô Trương Vy Việt Huyền, một trong 30 giáo viên được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2011, giáo viên Hóa, Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức) bày tỏ: “Học sinh cá biệt hay không là do cách cảm nhận, dạy dỗ của từng người. Dù ngỗ nghịch đến mấy, các em cũng không phải bất trị. Chỉ cần người thầy có cái tâm, học sinh sẽ được uốn nắn, nâng đỡ”. Bằng chứng là hơn 20 năm gắn bó với công tác giảng dạy, năm nào cô cũng xin đảm nhận một lớp học sinh yếu để giúp các em tiến bộ. Chính sự gần gũi, nhiệt tình trong cách dạy, cô đã chiếm trọn tình cảm của biết bao thế hệ học trò, trong đó có không ít người xuất thân từ những hạnh kiểm xấu.

Một trường hợp chuyên trị học sinh cá biệt khác là cô Cung Thị Hiền Hạnh, giáo viên dạy Sử, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh). Những trò đùa tinh quái như trét trái mắt mèo lên ghế ngồi cho cô không thể đứng lớp, xáo tung tập bài giảng trong lúc giáo viên thiếu chú ý hay giả làm phụ huynh xin phép cho bạn nghỉ học, cô đều đã từng nếm trải. Song, thay vì tỏ ra giận dữ, cô luôn giữ cho mình thái độ bình tĩnh, chủ động tiếp cận thủ phạm, phân tích đúng, sai cho các em hiểu. Nhờ vậy lớp cô chủ nhiệm năm nào cũng có nhiều em đạt thành tích cao trong học tập, dù trước đó các em từng là những học sinh yếu, kém, chưa ngoan.

  • “Mẹ” của rất nhiều “con”

Kết thúc mỗi năm học, cô Nguyễn Thị Thanh Nhu, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận) lại cất kỹ những bức tranh học trò vẽ tặng “không nhân dịp gì cả, chỉ vẽ vì nhớ cô”. Có bé ra trường nhiều năm rồi vẫn gọi điện về hoặc nhờ ba mẹ chở đến nhà thăm cô. Có bé nằng nặc đòi gọi cô bằng mẹ, ở nhà có vui, buồn gì cũng phải “vào trường kể mẹ Nhu nghe”.

Riêng đối với cô Nguyễn Tuyết Trinh, giáo viên Hóa, Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú), hạnh phúc là khi bất chợt chạy xe ngoài đường, có cậu học trò cũ ra trường hơn hai năm, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nay quay về khoanh tay “xin lỗi cô” vì những bồng bột của ngày xưa.

Hay như chia sẻ của cô Tăng Mỹ Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12AC1, Tổ trưởng chuyên môn Vật lý, Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2), giáo viên chủ nhiệm vừa như một người bạn, người mẹ, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chia sẻ với các em nhiều vấn đề trong cuộc sống không thuộc phạm vi trường lớp. Công việc vì thế rất cực nhưng cũng tràn đầy niềm vui.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Phương Linh, giáo viên Trường Mầm non Măng non 3 (quận 10) lại có một niềm vui khác. Mỗi ngày đến lớp, cô tự đặt ra mục tiêu tiếp cận, gần gũi một học sinh. Lớp có 40 bé, sau 40 ngày lại tiếp tục trở lại bé đầu tiên. Xoay vòng như thế cho đến cuối năm học, cô đã có cho mình bài học thực tế nhất về sự phát triển của từng em, trong đó có những tiến bộ nhỏ nhất về cách ăn, uống, đi đứng mà không phải người mẹ trẻ nào cũng cảm nhận được.

Niềm vui được cùng học sinh hát múa, vui đùa, niềm vui “đọc” và vẽ những bức tranh, tạo nên những mảng màu rực rỡ cũng vì thế khiến trái tim người thầy như trẻ ra hàng chục tuổi. Đó là lý do vì sao mỗi khi tiếng ve gọi hè, trong lòng những người thầy, người cô ấy lại bồi hồi những kỷ niệm về trường lớp… 

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục