Cùng với việc nở rộ các chương trình hài thực tế trên truyền hình, Nhà hát Tuổi trẻ, một cái nôi của sân khấu hài kịch miền Bắc cũng vừa tuyên bố tham gia sân chơi truyền hình với dự án mang tên “Xóm hóng”.
Báo giới đã có trao đổi với nghệ sĩ Đinh Tiến Dũng, nhân vật nổi tiếng với vai GS Cù Trọng Xoay, tác giả của nhiều vở hài kịch “có duyên” trên sân khấu là một trong những nhân tố quan trọng tham gia dự án này.
nghệ sĩ Đinh Tiến Dũng
- Phóng viên: Điểm gì khiến chương trình “Xóm hóng” khác với rất nhiều chương trình hài khác hiện nay?
>> ĐINH TIẾN DŨNG: “Xóm hóng” sẽ là sân chơi mới cho sân khấu hài kịch miền Bắc với sự hiện diện của các nhân vật ông Hóng, bà Hớt, người buôn chuyện… với nhiều nghệ sĩ hài tên tuổi và các nhân vật nổi tiếng trong vai trò khách mời (“bác sĩ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm; GS Ngô Bảo Châu…) hay bất cứ người nổi tiếng nào để bàn về một vấn đề trong cuộc sống trước khi bắt đầu câu chuyện hài. Mỗi chương trình dài 2 giờ, sẽ phát sóng trực tiếp 1 giờ trên truyền hình và đây sẽ là nơi hội tụ của những tên tuổi danh hài được yêu thích như Chí Trung, Xuân Bắc, Công Lý, Vân Dung và rất nhiều khách mời uy tín khác.
Chúng tôi sẽ mở rộng cấu trúc của sân khấu - đây là cái lợi của nhà hát truyền hình. Ví dụ chúng tôi có thể tổ chức một cuộc đánh ghen ngoài đường để những người đi đường chứng kiến và ghi nhận thái độ của họ. Không gian diễn cũng có thể mở rộng ra phòng thay đồ, bãi đỗ xe, trên ghế khán giả... Chúng tôi cũng sẽ lôi khán giả vào cuộc... hy vọng kéo khán giả đến gần với sân khấu.
- Làm trực tiếp như vậy, có khó hơn những chương trình hài trước đây anh đã từng tham gia?
Từ trước đến nay khi sân khấu hài nở rộ thì cũng có nhiều lo lắng. Chương trình tạo ra sự mới mẻ, phả hơi thở cuộc sống vào sân khấu nên cũng khác biệt. Chúng tôi phải viết kịch bản gấp nhiều lần so với bình thường. Nếu thông thường chỉ viết các tình huống, hành động và diễn viên cứ theo đó mà diễn nhưng với những cốt truyện mang tính tương tác cao đòi hỏi diễn viên không chỉ nắm rõ nội dung của vở kịch mà còn có thể lựa chọn nhiều giải pháp trong mỗi tình huống khác nhau, chia các nhánh để diễn tự nhiên hơn. Nếu khán giả phía Nam coi chương trình hài như một cốc nước giải khát, khà một cái như cơn khát là xong thì khán giả phía Bắc lại nhâm nhi nó như một chén trà, uống rồi nhưng phải chép miệng vài cái mới thấy vị ngọt, ví dụ vậy. Vì thế, “Xóm hóng” không chỉ là giải trí đơn thuần.
- Thường các sân khấu hài ban đầu thì hấp dẫn song các chiêu trò ngày càng nhạt đi. Anh có lo ngại “Xóm hóng” cũng không ngoại lệ?
Vâng, đó là một thách thức. Như “Gặp nhau cuối tuần” thì kéo dài được 7 năm rồi “Hỏi Xoáy đáp Xoay” kéo đến 2 năm. Nhưng quả thật áp lực của các chương trình là có thật. Về sức diễn của diễn viên thì không ngại, nhưng sức sáng tạo thì cần phải đầu tư. Bản thân tôi có thể viết kịch bản được 52 số nhưng như thế chương trình sẽ chung một màu, vì vậy sẽ có nhiều người tham gia. Ê kíp sẽ cùng bàn bạc để có cách đưa ra các chương trình khác nhau. Trước hết chúng tôi phải tạo ra bất ngờ cho chính mình chứ cứ làm đi làm lại thì sẽ vô cùng nhàm chán, mất cảm hứng với nghề.
Nếu làm ra sản phẩm không hấp dẫn thì chúng tôi sẽ tự giết mình, phải đóng cửa.
- Thực tế hiện nay, nhiều người làm hài kịch với ngôn ngữ hài hời hợt, thậm chí là bậy bạ?
Tại sao giờ chúng ta thích cười đến vậy? Có thể vì cuộc sống đã quá căng thẳng và chúng ta muốn cái gì thoải mái hơn. Khó đánh giá sản phẩm hài hay hay dở vì nó phụ thuộc vào quan điểm của người xem. Song cần phải làm ra sản phẩm sạch sẽ, không lôi những từ bậy bạ bẩn thỉu ra để khai thác vì dù sao đó cũng là sản phẩm văn hóa. Có cái hay của làm việc theo nhóm là thay vì đợi tác phẩm lên sóng để đón nhận phản hồi thì chúng tôi có thể tự phản biện khi tác phẩm chưa tới, hơi ác hay nhạt. Ác ở đây là ở chỗ vì muốn đem đến tiếng cười có nhiều người thì chúng ta đã dùng những từ quá cay nghiệt cho một nhóm nào đó, hay lôi những việc đau khổ của ai đó ra để nói... Ví dụ như những tệ nạn trong y tế chẳng hạn. Chúng ta chưa đủ khéo léo mà cứ đưa những vấn đề đó ra và cứ nghĩ rằng mang tiếng cười để bài trừ cái xấu nhưng thực ra lại nhắc đến nỗi đau của những nạn nhân thì không được. Chúng tôi hướng đến vở kịch lành mạnh cả về ngôn từ và tư tưởng. Với tiêu chí là nhà hát truyền hình “Xóm hóng” sẽ lành mạnh cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.
- Khán giả nay dường như dễ cười quá nhưng cười xong lại quên ngay. Phải chăng tham vọng không chỉ đem sự việc ra giễu nhại mà còn mong muốn đưa ra giải pháp cho mỗi sự việc của chương trình hài kịch là quá lớn?
Với tôi, một tác phẩm hài giống như một cuộc đua tiếp sức 100m x 4. Người biên kịch sẽ chạy đầu tiên sau đó đến đạo diễn, diễn viên và khán giả là người cuối cùng của lộ trình. Ngôn ngữ hài sẽ đi vào bế tắc đó cũng là điều mà nhiều người gặp phải. Bản thân tôi có lúc viết xong kịch bản rồi chính bản thân tôi cũng không chấp nhận được khi đọc lại. Điều sợ nhất mà người viết biên kịch hài phải đối mặt là cứ ngồi trong phòng kín tự viết kịch bản rồi tự cười thì dễ xảy ra tình trạng mình cười nhưng khán giả không. Do đó chúng tôi làm việc theo ê kíp, theo nhóm. Chúng tôi giúp nhau phản biện. Chúng tôi không muốn khán giả kiễng chân để với tới cảm xúc. Không muốn đẩy khán giả tới chỗ chưa xúc động lắm, phải cố xúc động, chưa buồn cười lắm vẫn phải cười.
- NSƯT Chí Trung từng nói, anh ấy làm đạo diễn hàng trăm vở hài kịch không được gọi là đạo diễn, cho đến khi làm một vở chính kịch thì mới được gọi là đạo diễn. Đinh Tiến Dũng cũng viết hàng trăm kịch bản hài kịch, nhưng chưa có kịch bản chính kịch nào. Anh có buồn khi không được gọi là “nhà biên kịch”?
Đấy không phải là hình ảnh tôi muốn xây dựng. Tự nhận mình là biên kịch hay kịch tác gia thì tôi thấy mình cũng đang hơi kiễng chân, không tới. Với tôi, viết hài kịch đơn giản là một công việc. Người ta cần người như tôi để biên tập lại những kịch bản cũ và viết những kịch bản mới để cho sân khấu lúc nào cũng sáng đèn. Đó là điều tôi nghĩ là mình đã hoàn thành. Còn biết đâu, đến một ngày nào đấy tôi có thể viết được một tác phẩm nào đấy mà khiến người ta cảm thấy có thể gọi tôi là nhà biên kịch hay gì đó. Tôi không vội và sẽ từ từ đón nhận nó.
- Xin cảm ơn anh.
MAI AN (thực hiện)